Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Thursday, March 31, 2011

Nguồn cung cấp lương thực cho thế giới

Nguồn cung cấp lương thực cho thế giới

19/05/2010 - 13:00 Tom Fayle
Nguồn Feeding the world

Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tại Philippines hiện đang tiến hành những dự án nghiên cứu phát triển các giống lúa mới nhằm trợ giúp các quốc gia trên thế giới đảm bảo an ninh lương thực.

* Bình chọnBình chọn (0)
* Ý kiếnÝ kiến (0)
* ShareChia sẻ
* PrintBản in

Nguồn cung cấp lương thực cho thế giới

Các chính phủ hiện đã nhận ra tầm quan trọng của các dự án nghiên cứu các loại cây lương thực như lúa gạo. (ABC)
Tóm lược

* Nhiệm vụ của IRRI là khắc phục tất cả những hạn chế lớn trong sản xuất lúa gạo. Một trong những lĩnh vực nghiên cứu mới nhất và được đầu tư nhiều nhất là tạo ra giống lúa có khả năng tận dụng năng lượng mặt trời hiệu quả nhất nhằm tăng sản lượng.

Vấn đề an ninh lương thực lại trở lại chương trình nghị sự của nhiều chính phủ trên thế giới sau những đợt đói kém và bạo động lan rộng trong cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008. Thêm vào đó, những tác động của biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm tăng thêm khó khăn trong việc cung cấp lương thực cho dân số thế giới hiện vẫn đang gia tăng. Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm ra giải pháp.

Phóng viên Tom Fayle của Đài Úc (Radio Australia) đã tìm hiểu về Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tại Philippines hiện đang tiến hành những dự án nghiên cứu phát triển các giống lúa mới nhằm trợ giúp các quốc gia trên thế giới đảm bảo an ninh lương thực.

Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế có trụ sở tại Los Banos, một vùng phát triển thịnh vượng chỉ cách thủ đô Manila một vài giờ đi bằng ô tô. Trang trại trồng thử nghiệm rộng 250 héc-ta là nơi nhóm các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đang nghiên cứu tìm phương pháp nâng cao sản lượng cây lúa.

Vào thập kỷ 1990, viện nghiên cứu này rơi vào tình trạng khủng hoảng do thiếu ngân sách. Hiện nay, viện đang thu hút lại được sự chú ý sau khi cuộc khủng hoảng lương thực khiến mọi người chú ý đến cây lúa hơn và bổ sung thêm ngân sách cho các dự án nghiên cứu về loại cây lương thực này.

Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) hiện đang tham gia nhiều dự án được triển khai để cải thiện chất lượng và sản lượng lúa gạo. Viện cũng có số lượng mẫu lúa gạo lớn nhất thế giới với trên 110 ngàn giống lúa khác nhau từ khắp nơi trên thế giới được lưu trữ trong ngân hàng gen.

Tiến sĩ Ruaraidh Sackville-Hamilton, giám đốc ngân hàng gen, cho biết đây là điểm khởi đầu để hỗ trợ phát triển các giống lúa gạo mới cho tương lai. “Vấn đề đầu tiên các quốc gia cần phải quan tâm là nghiên cứu tìm ra giống lúa có chất lượng dinh dưỡng cao hơn và có khả năng chịu hạn và miễn dịch với các loại bệnh”, ông nhận định.
Đặc thù của Viên nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế

Giáo sư Beth Woods, chủ tịch đương nhiệm của Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), cho biết ngân hàng gen là một trong những nét đặc thù của viện. “Chúng ta đều biết rằng khẩu vị của con người phát triển theo thời gian và bệnh tật cũng biến thái. Ngân hàng gen thực sự là nguồn bảo hiểm của chúng tôi, nguồn gen đa dạng có thể được sử dụng để giải quyết những vấn đề nảy sinh”, Giáo sư Beth Woods cho biết.

Tính chịu hạn là một nội dung quan trọng đã và đang được các nhà khoa học tại IRRI nghiên cứu.

Tiến sĩ Rachid Serraj, một nhà khoa học làm việc tại IRRI, cho biết mặc dù nghiên cứu về khả năng chịu hạn của lúa khá khó khăn nhưng các nhà khoa học đã thu được một số kết quả khả quan.

“Hạn hán là một trong những chủ đề phức tạp nhất trong quá trình nghiên cứu. Hiểu được những ảnh hưởng phức tạp của hạn hán đối với cây lúa là một điều không dễ dàng”, Tiến sĩ Rachid Serraj nhận xét. “Chúng tôi cũng nghiên cứu nghiêm túc tác động của hạn hán với sản lượng lúa và cuộc sống của con người. Vấn đề này cũng rất phức tạp và quan trọng. IRRI gần đây đã thu được nhiều kết quả khả quan. Nhiều giống mới đã được đưa vào thử nghiệm ở Philippines và một số nơi khác. Chúng tôi cũng có thêm nhiều giống lúa khác sắp được đưa vào sản xuất."
Nghiên cứu hiện tượng quang hợp

Mặc dù việc sản xuất những giống lúa mới có khả năng chịu hạn cao là một mục tiêu quan trọng, các nhà khoa học cho rằng đây không phải là mục tiêu duy nhất

Nhiệm vụ của IRRI là khắc phục tất cả những hạn chế lớn trong sản xuất lúa gạo. Một trong những lĩnh vực nghiên cứu mới nhất và được đầu tư nhiều nhất là tạo ra giống lúa có khả năng tận dụng năng lượng mặt trời hiệu quả nhất nhằm tăng sản lượng.

Tiến sĩ Paul Quick, một nhà khoa học đứng đầu nhóm nghiên cứu tại IRRI, cho biết những dự án như trên, bao gồm dự án nghiên cứu giống lúa C4, cần thời gian nghiên cứu khoảng 15 đến 25 năm và không có gì đảm bảo nó sẽ thành công. Tuy nhiên, nếu thành công, lợi ích mà dự án mang lại sẽ là rất lớn và cần thiết.

“Một vấn đề chính yếu khiến các nhà khoa học lo ngại là với tỉ lệ tăng dân số hiện tại, đến năm 2050, chúng ta sẽ cần nguồn lương thực lớn gấp rưỡi hiện nay”, Tiến sĩ Paul Quick nói. “Nếu xem xét tỉ lệ tăng sản lượng lúa gạo hiện nay, chúng ta có thể thấy rằng con số này vẫn tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng này có đủ cung cấp cho dân số hay không? Câu trả lời là không. Do đó, chúng ta cần một yếu tố căn bản có thể giúp tăng sản lượng 50% và chúng ta đang tìm kiếm những cơ chế tiến hóa của cây lúa nhằm đạt được mục tiêu trên. Một trong số ít những cơ chế này là hiện tượng quang hợp ở giống lúa C4.”

Những nỗ lực nghiên cứu của Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI đã nhận được những ý kiến chỉ trích về mặt môi trường và xã hội. Những ý kiến này cho rằng đây là một công nghệ đòi hỏi chi phí cao và đưa ra hình thức sản xuất không bền vững cũng như gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những chỉ trích trên ít được chú ý bởi không có giải pháp thay thế nào giúp đạt được năng suất lúa cao nếu muốn ngăn chặn nạn đói diễn ra trên toàn cầu.

Nói về tương lai của IRRI, Giáo sư Beth Woods cho rằng các chính phủ hiện đã nhận ra tầm quan trọng của các dự án nghiên cứu các loại cây lương thực như lúa gạo.

“Các nước lớn trên thế giới hiểu rằng vấn đề lương thực và an ninh liên quan mật thiết với nhau. Tôi nghĩ rằng người dân trên khắp thế giới khó có thể chấp nhận được được ý nghĩ rằng hàng trăm triệu người phải chịu ảnh hưởng do mất an ninh lương thực”, Giáo sư Beth Wood nhận định. “Vì cả hai lý do trên, tôi nghĩ hiện đang có cam kết chung về nhu cầu tăng sản lượng lương thực và sản lượng lương thực được dựa trên cơ sở những vụ mùa bội thu trên thế giới.”

Tiến sĩ Beth Woods cho biết bà hi vọng rằng Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế sẽ tiếp tục thực hiện các dự án nghiên cứu trong thời gian dài sắp tới: “Tôi có thể dự đoán rằng Viện IRRI sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu về cây lúa trong vòng 50 năm nữa, khoảng thời gian mà tôi không còn được sống để chứng kiến.”
http://www.bayvut.com.au/tri-th%E1%BB%A9c/ngu%E1%BB%93n-cung-c%E1%BA%A5p-l%C6%B0%C6%A1ng-th%E1%BB%B1c-cho-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi