Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Friday, February 15, 2008

Hiểu Biết Căn Bản Về Dược Thảo

Hiểu Biết Căn Bản Về Dược Thảo
[11/03/2006 - Tác giả: admin1 - Vietnam Review]

BS. Nguyễn Ý Đức
Texas - Hoa Kỳ
11.03.2005

Dược thảo hiện nay đang được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là tại các quốc gia có công nghệ nghệ phát triển. Riêng tại Hoa Kỳ, trong năm 1998, dân chúng đã tiêu hơn 4 tỷ USD để mua các loại dược thảo. Từ năm 1990 tới 1997, số người dùng dược thảo tăng 380%, số người đi khám bác sĩ giảm và như vậy, số người đến khám bệnh ở thầy thuốc không chính thống cũng nhiều hơn.

Dược thảo được bày bán khắp nơi, ngay cả trong tiệm chuyên bán tân dược. Những bài thuốc của “Mẹ Thiên Nhiên” như lá, củ, rễ, vỏ, hoa, đã mau chóng trở nên phương tiện trị liệu ưa thích của người dân. Họ mua để chữa từ các bệnh thông thường như cảm cúm, đau nhức, đái tháo đường, tới một số bệnh trầm trọng hơn như ung thư, tê liệt tứ chi, nhiễm HIV/AIDS, viêm siêu gan A,B,C.

Biết bao nhiêu người đang dùng St. Jolhn Wort để chữa trầm cảm; ginkgo biloba để trì hoãn sự lão hóa, sa sút trí nhớ; melatonin cho rối loạn giấc ngủ; saw palmetto cho ung thư tiền liệt tuyến; lá đu đủ cho ung thư gan; sừng tê giác cho ung thư đường ruột; mã hoàng ephedra để giảm nghẹt mũi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có trên 4 tỉ (67% dân số) người dùng dược thảo trên thế giới. Kỹ nghệ chế biến dược thảo, bốc thuốc, hiện rất phát triển, thu vào 12 tỉ USD trong năm 1998.

Để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của dân chúng, chính quyền các quốc gia cũng đã bắt đầu lưu ý, dành ngân sách, lập cơ quan nghiên cứu về công dụng và sự an toàn của dược thảo.

VẬY THẾ NÀO LÀ DƯỢC THẢO?

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, một sản phẩm được coi là dược thảo khi thành phần chủ yếu gồm một bộ phận của thảo mộc nằm trên không hay dưới đất, trong hình dạng nguyên thủy hay được chế biến.

Khi có pha lẫn bất cứ hoá chất hay khoáng chất thì không còn là dược thảo nữa.

MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM VỀ DƯỢC THẢO

Sự an toàn của dược thảo

Ý kiến chung coi dược thảo an toàn hơn tân dược, ít gây tác dụng phụ và ít khi gây tai nạn tử vong. Tuy nhiên dược thảo vẫn là một loại thuốc, khi sử dụng cũng cần cẩn thận, không nên nghĩ nó là cây thiên nhiên thì không có hại.

Cam thảo (licorice) là một trong những loại dược thảo được dùng nhiều nhất trên khắp thế giới để chữa bệnh loét bao tử, ho, suyễn, nhưng nếu dùng lâu ngày, có thể gây cao huyết áp, nhức đầu, mệt mỏi. Khi mới dùng lần đầu, nên dùng với liều lượng nhỏ rồi tăng dần cho tới liều theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Một thí dụ khác là cà phê, một loại dược thảo ta hay dùng. Nếu uống một ly mỗi sáng thì có tác dụng tốt như ý muốn, năm ly là có nhức đầu, nóng nảy, 15 ly thì bắt đầu thấy ù tai, chóng mặt.

Ngoài ra cũng cần lưu ý là dược thảo bán trên thị trường không được thử nghiệm về sự tinh khiết và hiệu nghiệm, nên đôi khi có lẫn tạp chất như phấn hoa, phấn lá... và có thể gây dị ứng.

Công hiệu của dược thảo

Các nhà sản xuất cũng như hơn 4 tỉ người đang dùng dược thảo đều cho là thuốc công hiệu trong việc trị bệnh và ngừa bệnh. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học đồng tình với ý kiến này. Có điều là tác dụng của dược thảo thường chậm, cần thời gian dài để có hiệu quả, do đó tốt trong việc phòng bệnh.

Dược thảo, với nhiều chất thuốc khác nhau, có tác dụng vào nhiều bộ phận cơ thể hơn là tân dược, với một dược chất, tác dụng vào một bệnh chỉ định.

Dược thảo thường không đủ mạnh để điều trị cấp cứu, nhất là các bệnh do vi khuẩn gây ra, nên thuốc kháng sinh vẫn là thuốc cơ bản.

Dược thảo không gây ghiền

Thường thường cỏ cây gây ghiền như cây thuốc phiện, cần sa... không được phép bán công khai tại các tiệm thuốc. Dược thảo không có kích thích tố hay chất chống viêm steroid, nhưng một vài dược thảo có tác dụng hỗ trợ sự tiết các chất này trong cơ thể.

Chọn lựa dược thảo

Như đã nói ở trên, nhà sản xuất không cần chứng minh sự an toàn và công hiệu của dược thảo khi tung ra thị trường, mà chỉ khi nào có chuyện xảy ra thì thuốc đó mới bị bỏ đi. Tiêu chuẩn bào chế cũng khác nhau, nên tỷ lệ dược liệu đều thay đổi. Tỷ lệ này cũng thay đổi tùy theo cây cỏ được trồng ở địa lý nào, được hái vào mùa nào, được bảo quản ra sao và phần nào (rễ, thân hay lá) của cây được sử dụng để bào chế thuốc.

Những điều này gây khó khăn không ít cho người tiêu dùng. Vì thế các nhà sản xuất đã phối hợp với nhau để sản xuất thuốc. Hiện có hai tổ hợp lớn: American Herbal Products Association và National Nutritional Foods Association.

Khi mua, nên lựa sản phẩm có sự liên kết với các công ty uy tín có cơ sở nghiên cứu đầy đủ về phân lượng, tinh khiết và công hiệu. Cũng nên lựa sản phẩm có nhãn hiệu với chỉ dẫn cách dùng, tác dụng phụ, loại cây cỏ, hạn dùng.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI DÙNG DƯỢC THẢO

Tại Hoa Kỳ, Tây y được xây dựng trên căn bản sinh hóa học hiện đại. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm quốc tế (FDA), thường nhìn dược thảo với con mắt dè dặt, nghiêm khắc. Họ cho là dược thảo không có công dụng trị liệu và nguy hiểm.

Một luật gia than phiền là hiện nay có hai chế độ dược phẩm: một chế độ muốn được bày bán phải chứng minh có công hiệu trị liệu và tuân theo luật lệ; chế độ kia được bán tự do, không cần kê khai giá trị.

Bác sĩ Marcia Angel, Chủ bút tập san Y học uy tín New England Journal of Medecine đã kêu gọi dân chúng đừng tự chữa bệnh, tự dùng dược thảo vì thuốc có nhiều thành phần không khai báo được pha thêm vào như chì, thạch tín, rất nguy hiểm.

Còn giáo sư dược khoa nổi danh Varro Tyler thì cho là sự nghiên cứu về dược thảo của các quốc gia châu Âu rất đáng tin cậy, tuy nhiên, độc tính dài hạn của thuốc cần được theo dõi, tác dụng phụ có hại thường được che dấu, giảm thiểu.

Dù vậy, dược thảo vẫn được người dân tiêu thụ, vì có ngay khi cần, không phải mất công lấy hẹn, ngồi chờ bác sĩ, cũng như khi gặp trọng bệnh mà Tây y bó tay. Tuy nhiên cũng nên lưu ý mấy điều để tránh chuyện chẳng lành:

1. Thông báo cho bác sĩ nếu đang dùng dược thảo để tránh tác dụng không tốt giữa tân dược và dược thảo. Không dùng ginkgo biloba (bạch quả) với thuốc trị đau nhức aspirin, thuốc ngừa tai biến não ticlid, persantine; thuốc trị trầm cảm với St John Wort...

2. Không dùng dược thảo khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, không cho trẻ nhỏ dùng dược thảo vì gan chưa đủ sức chuyển hóa độc chất của dược thảo.

3. Tuy dược thảo có nguồn gốc thiên nhiên nhưng không “thiên nhiên” với cơ thể con người. Cho nên thuốc có thể gây bất lợi khi dùng, nhất là vì thiếu kiểm soát nên thành phần không thống nhất, phẩm chất không tinh khiết, đôi khi pha lẫn chất có hại cho cơ thể.

4. Không nên dùng dược thảo quá năm tuần lễ vì an toàn dùng dài hạn chưa được chứng minh, cũng không nên dùng quá nhiều vì nguy cơ gây độc cho gan và thận. Và cũng đừng nên dùng nhiều dược thảo khác nhau một lúc vì tác dụng tương phản của thuốc.

5. Dược thảo cũng có tác dụng phụ như bạch quả gây xuất huyết; mã hoàng (ephedra) gây tăng huyết áp, nhức đầu, rối loạn nhịp tim; St John wort làm chóng mặt, mệt mỏi, khô miệng, mất định hướng... Mã hoàng hiện nay đã bị cấm bày bán tại Hoa Kỳ.

Cuối cùng là không nên quá tin tưởng những lời “có cánh” từ quảng cáo, giới thiệu của nhà sản xuất vì những lời này không được cơ quan trách nhiệm xác định giá trị, đồng thời cũng nên tìm hiểu về đặc tính trị liệu của loại dược thảo đang dùng.
http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3241