Friday, February 15, 2008
Dandelion: Cỏ dại hay dược thảo?
Dandelion: Cỏ dại hay dược thảo?
Thursday, August 19, 2004
ND-dandelion1.jpg
ND-dandelion2.jpg
Mở một quyển tự điển Anh-Việt, thấy người ta dịch là “cây bồ công anh”. Vì đây là loại thảo mộc không quen thuộc, dịch giả đã phải định nghĩa là “loại cây dại nhỏ có hoa màu vàng tươi và lá viền hình khía”.
Ở lục địa Bắc Mỹ, ở bất cứ bãi cỏ nào từ miền tuyết giá Ðông Bắc (New England) đến miền Tây Nam California, nắng ấm gần như quanh năm, dandelion mọc dại khắp nơi. Chủ nhà thường phải dùng các loại hóa chất để diệt nó cùng nhiều loại cỏ dại khác hầu giữ cho thảm có được đồng nhất.
Người viết bài này thật tình cũng chỉ thấy đó là thứ cỏ dại nên cứ thấy chúng ló đều lên là lo diệt. Cho tới một lần than phiền với ông già vợ, mới hiểu phần nào về đặc tính của loại hoa cỏ này (ông cụ là người rất thích khảo cứu về cây cỏ). Rồi gần đây, đọc một bài báo tuy ngắn gọn nhưng rất súc tích của một tác giả Mỹ, Susan Wittig Albert, trên tạp chí “Gardener” (Người làm vườn) học thêm được một số điều bổ ích.
Từ lá, hoa đến rễ của nó, thứ nào cũng hữu dụng, từ ăn đến uống. Lá, hoa và rễ của nó có thể ăn sống, phơi khô làm trà, trộn sà lát cho đến làm thuốc nhuận tiểu, tăng mật, trị tim.
Răng sư tử?
Trước hết, về cái tên của nó trong Anh ngữ cũng có điều đáng nói. Theo sự khảo cứu của bà Albert, chữ dandelion là do phát âm từ tiếng Pháp “dent de lion” tức là răng sư tử. Một số người liên tưởng tới lá của nó có nhiều răng cưa lởm chởm như răng sư tử. Hoặc cái màu vàng tươi của hoa này vốn dĩ được dùng để diễn tả đặc tính mạnh bạo của sư tử.
Từ bao nhiêu đời rồi không biết, người ta quen dần với chữ dandelion và quên dần cái từ nguyên kia đi.
Trong rễ của dandelion, khi bẻ ngang, thấy chảy ra một loại nhựa (sữa) màu trắng. Người Mỹ gọi là “The devil's milk pail” (sữa quỷ). Chất nhựa này có chất tương tự như nhựa cao su nên trước đây, một số người đã nghiên cứu để chế biến thành cao su, nhưng không thành công về phương diện thương mại. Nhiều thế kỷ qua, nó được dùng để trị mụn cóc ở trên da hoặc một số bệnh về da.
Về sự hữu dụng của nó, tác giả Albert nói không một phần nào của dandelion lại vô ích. Lá non của nó ăn được sống, trộn làm sà lách hay dùng như một loại rau thơm kẹp trong bánh mì thịt hay bánh mì cá. Hoa vàng của nó có thể ướp để làm rượu. Rễ của nó phơi khô, sao (rang) lên rồi xay nhỏ để pha làm một thứ nước uống như trà hay cà phê.
Nên cẩn thận một điều. Nếu vị nào có ý định sử dụng dandelion cho mục đích ăn uống, không nên xịt thuốc trừ cỏ hay thuốc trừ sâu rầy, vì chúng là các loại hóa chất độc rất có hại cho con người.
Vẫn theo bà Albert, vì trong cây dandelion có chất taraxacin, có công dụng lợi đường tiểu tiện, những người thích dược thảo dùng nó cho mục đích này. Vì dandelion có rất nhiều potassium, một chất dinh dưỡng thường bị mất khi bị lọc qua quả thận, các người dùng dược thảo ưa dandelion hơn là các loại thuốc nhuận tiểu là hóa chất chế tạo kỹ nghệ.
Cây dandelion cũng kích thích gan sản xuất thêm nhiều mật hơn, nhờ đó giúp thêm cho đường tiêu hóa. Vẫn theo tác giả Albert, từ nhiều thế kỷ qua, người ta dùng dandelion để trị bệnh cồn cào bao tử (heartburn), bệnh sạn mật, bệnh vàng da và cả chứng phù (dropsy) mà gần đây người ta nói đó là do suy tim (congestive heart failure).
Trong bài báo nói trên bà Susan Albert còn cho cả công thức để làm một số món sà lách với lá dandelion.
Từ Văn Thạch
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=8745&z=14