Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Wednesday, March 9, 2011

Hoàng cầm và dược thảo kháng siêu vi

Hoàng cầm và dược thảo kháng siêu vi (00:00:00 Ngày 11/01/2008)
Tên khoa học: Scutellaria baicalensis, thuộc họ Húng (Lamiaceae = Labiatae). Cây da niên nhờ gốc rễ to, cho ra nhiều nhánh cao 0,5 - 1 mét, thân có nhiều lông. Lá không cuống, mọc đối từng cặp, cặp lá kế theo hướng thẳng góc với cặp lá dưới, phiến lá hình mũi mác nhọn, có răng cưa mịn. Hoa hình môi, màu xanh tím (xem hình 1).

Tính vị & công năng

Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis).
Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis).
Hoàng cầm (rễ) là vị thuốc Đông y có vị đắng, tính hàn, vào 5 kinh tâm, can, phế, đởm và đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chống phù, giải độc, cầm máu. Thường dùng trị cảm, sốt cao kéo dài, phế nhiệt, ho, lỵ trực trùng, nôn ra máu,ung nhọt, chảy máu cam, tiêu chảy có máu, băng huyết, vàng da...

Toàn cây, nhất là rễ chứa 31 flavonoid (baicalein, scutellarin, baicalin, skullacapflavon, wogonin), betasitostero,l, tanin pyrocatechic (2 - 5 %), các resin, glucosid...

Tác dụng dược lý

Cao ether rễ Hoàng cầm có tác dụng kháng sinh đối với nhiều vi khuẩn gram dương, kể cả Liên cầu khuẩn Streptococus hemolyticus, vi khuẩn ruột Escherichia coli, phế cầu khuẩn Pneumococcus, Phẩy khuẩn tả Vibrio comma, vi khuẩn thương hàn Salmomella typhi, S. paratyơhi, khoang miện Bacterioides melamnogenicus intermedius.... Hoàng cầm cũng kháng siêu vi, kể cả siêu vi cảm cúm Influenza, Herpes virus, SARS, sởi, trái dạ (thuỷ đậu)...

Những cây thuốc khác

Thù lù (Lu lu) cái (Physalis angulata).
Thù lù (Lu lu) cái (Physalis angulata).
Trong những bài trước nói về cây thuốc kháng siêu vi, TSK đã giới thiệu những cây thuốc mà các công trình khoa học trên thế giới chứng minh là có tác dụng kháng siêu vi khuẩn như: rau Sam, Giếp cá, rai Trai, cây Thù lù cái (Tầm bóp), Thù lù (lu lu) đực, rau Dệu, Bạc hà (Húng cay), Cỏ mực (Nhọ nồi), Bồ ngót, Diệp hạ châu (Chó đẻ), Phèn đen, Hoàng kỳ (Astragalus membraceus), Liên kiều (Forsythia suspensa), Cát căn (pueraria thomsonii) 20 g, Kim ngân hoa, Cam thảo, dây Thảo bạc gân, cây Nọc sởi (Hypericum japonicum), Keo lá tràm (Acacia auriculaeformic), cây Ban sầm sơn còn gọi Lưu ký nô (Hypericum sampsonii).

Bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết, do siêu vi khuẩn Dengue, lây truyền khi bị muỗi vằn (mang siêu vi khuẩn Degue) chích, gây sốt cao đột ngột, khó cắt cơn sốt bằng thuốc hạ nhiệt. Sau 3 – 4 ngày sốt nóng kéo dài, có thể bị xuất huyết dưới da là những chấm li ti dày đặc, hoặc xuất huyết nội tạng... Do sốt nóng kéo dài, trẻ nằm li bì, hoặc vật vã, đau bụng vì gan sưng, hơi thở cũng nóng, môi khô, miệng khô, ít khi thấy ra đàm nhớt, không ho. (Ngược lại, nếu trẻ bị cảm, cúm, cũng sốt, nhưng dễ hạ sốt, trẻ nằm li bì, nhiều đàm dãi, có ho. Bệnh trở nặng có thể bị khó thở, ngực lún vào ở thì hít vào nếu bị bội nhiễm hay viêm phổi cấp).

Nguyên tắc điều trị

Cho tới nay, vì chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết cũng như các bệnh do siêu vi khác, nên ta cần áp dụng một số biện pháp sau:

Cơ thể con người luôn có thể tự chống đỡ lại siêu vi bằng hệ thống tế bào miễn dịch của mình. Do đó dù có dùng thuốc hay không thì hầu hết các bệnh do nhiễm siêuvi cũng sẽ tự khỏi sau 4 - 7 ngày, với điều kiện là ta phải điều trị chứng, nâng đỡ sức khoẻ và sức đề kháng và chống bội nhiễm bở vi khuẩn.

Lau mình bằng nước ấm: Sốt là một phương cách tự vệ của cơ thể, để chống đỡ lại sự sinh sản của siêu vi. Khi bị nhiễm trùng, cơ thể (vùng dưới đồi) sẽ tự điều chỉnh thân nhiệt lên 38 - 390C thay vì 370C. Vì thế thuốc hạ nhiệt không có hiệu quả và dù bị sốt mà người bệnh vẫn cảm thấy lạnh, rét run. Nhưng cơ chế gây sốt nóng nhiều khi quá đà, làm hệ thần kinh lúc bị bệnh thường bị bế tắc không điều khiển được thân nhiệt. Do đó, thân nhân phải kèm giữ không cho người bệnh bị sốt quá cao, bằng cách lau mình bệnh nhân bằng khăn nhúng nước ấm. Nước ấm dễ bốc hơn và không làm bệnh nhân khó chịu (Vì lúc đó sốt họ cảm thấy lạnh - nhưng không nên mặc ấm hay đắp mềm quá kỹ vì sẽ làm sốt cao thêm). Thường cứ 100 g nước bốc hơi trên da sẽ giúp cơ thể hạ được 10C. Khi lau mình, nếu thân nhiệt giảm xuống 370C thì ngưng và tiếp tục theo dõi thân nhiệt, để lau tiếp nếu cần. Việc chăm sóc này rất quan trọng vì nếu để trẻ con bị sốt cao kéo dài có thể bị làm kinh, co giật rất nguy hiểm.

Cần nâng đỡ hệ thần kinh: bị sốt nóng li bì thì hệ thần kinh bị phong bế và trạng thái tâm thần bệnh nhân cũng bị lo âu bất ổn. Xoa nắn tay chân, vuốt lưng, vai, cổ, lau mình bằng nước ấm cũng là động tác giúp giải toả sự phong bế thần kinh hay kinh lạc và giúp bệnh nhân an tâm là được chăm sóc. Ta nên nhớ rằng trạng thái tâm thần ổn định, yên vui thì sức đề kháng cơ thể sẽ tăng và ngược lại.

Nâng cao sức chịu đựng và sức đề kháng cơ thể cho bệnh nhân: Sốt nóng làm bệnh nhân biếng ăn uống, nhưng đây lại là lúc cơ thể cần nhiều năng lượng và cần tiếp nước cùng chất khoáng điện giải vì bị mất theo mồ hôi. Nên cho bệnh nhân uống sữa, nước Cam vắt và dùng gói Oresol hoặc ORS pha vào 1 lít nước chín rồi chiết ra ly, vắt thêm một ít nước Cam vào, cho bệnh nhân uống thường xuyên. Hoặc dùng viên Hydrid, tương tự Oresol (dịch uống trị tiêu chảy) nhưng 1 viên hoà (sủi bọt) vào 1 lít nước chín cho uống. Nước Cam vắt có thêm tí muối (0,9%) và 3% đường cho uống cũng được. Không cho đường quá ngọt vì sẽ làm giảm khả năng chống siêu vi của hệ miễn dịch. Nếu bệnh nhi không uống được thì dùng muỗng cà phê múc cho uống hoặc thoa lên môi miệng từng chút một.

Thuốc nam kháng siêu vi

- Dùng 30 ga Hoàng cầm tươi (cành nhánh mang hoa), 30 g Cỏ mực tươi, 20 g Hoè hoa khô (ngâm nước 15 phút), 40 g rau Sam tươi, 30 g rau Giấp cá (hoặc rau Bồ ngọt, hoặc cây Thù lù tươi, hoặc rau Trai). Dược liệu tươi rửa sạch, dùng máy xay sinh tố để xay (dùng một trong các loại dịch uống nêu trên làm nước xay) lấy nước cốt cho uống trong ngày.

- Hoặc dùng thuốc sắc (mua ở hiệu thuốc y học cổ truyền): Hoàng cầm 20 g, Hoàng kỳ 20 g, Liên kiều 16 g, Cát căn 20 g, Cỏ mực 20 g, Hoè hoa 20 g, Kim ngân hoa 16 g, Cam thảo 6 g, bột hoạt thạch (talc, cho vào sau cùng). Dược liệu khô, rửa sạch, đổ ngập nước (cho hoạt thạch vào) đun sôi 30 phút kể từ khi sôi rồi chiết nước ra uống trong ngày. Có thể sắc thêm nước thứ nhì để dùng. Có thể thêm 3% đường hay mật ong vào nước sắc cho trẻ con dễ uống. Dùng trong 3 ngày.

Nguồn: Thuốc & Sức khoẻ, số 338, 15 - 8 - 2007, tr 16.

http://www.vusta.vn/Temps/Home/template2/default.asp?nid=5204