Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Sunday, February 27, 2011

Rau Giấp Cá -- Một cây thuốc quý

Rau Giấp Cá -- Một cây thuốc quý


Diếp cá từ lâu đã được Đông y dùng chữa các bệnh về tiêu hóa, phát ban, tắc sữa... Gần đây, Tây y cũng phát hiện ra nhiều tác dụng quý của nó như kháng khuẩn, tiêu diệt ký sinh trùng, chống ung thư.

Rau diếp cá còn có tên là giấp cá, cây lá giấp hoặc ngư tinh thảo, tên khoa học là Houttuynia cordata Thumb., mọc chủ yếu tại các nước châu Á, từ Ấn Độ đến Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Ở nước ta, diếp cá mọc hoang khắp nơi, thường ở các vùng đất ẩm, được trồng làm rau ăn hoặc dùng làm thuốc.

Diếp cá có vị chua, cay, tính mát, tác động vào 2 kinh can và phế. Tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt, giải độc, thoát mủ (đối với mụn nhọt làm mủ), thông tiểu tiện, giảm phù thũng, sát khuẩn, chống viêm.

Trong y học dân gian, diếp cá được dùng chữa các chứng bệnh như: táo bón, trĩ (6-10 g sắc uống hằng ngày), sởi, mày đay (giã nát vắt nước cho uống), viêm tai giữa, sưng tuyến vú, tắc tia sữa (dùng lá khô 20 g hoặc tươi 40 g, sắc nước uống hằng ngày), viêm thận, phù thũng, kiết lỵ (dùng 50 g tươi sắc uống), tiểu buốt, tiểu dắt (dùng rau diếp cá, rau má tươi, lá mã đề rửa sạch, vò với nước sôi để nguội, gạn nước uống).

Theo nghiên cứu của y khoa hiện đại, trong cây diếp cá có chất decanoyl-acetaldehyde mang tính kháng sinh. Loại rau này có tác dụng kháng khuẩn như ức chế tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn bạch hầu, e.coli, trực khuẩn lỵ, xoắn khuẩn leptospira. Nó cũng có tác dụng đối với virus sởi, herpes, cúm và cả HIV, do tác động vào vỏ bọc protein của virus. Diếp cá còn diệt ký sinh trùng và nấm. Liều dùng 30-50 g rau tươi, có thể ăn sống, xay nát uống hoặc giã đắp ngoài da.

Cũng theo Tây y, diếp cá giúp lợi tiểu do tác dụng của chất quercitrin, làm chắc thành mao mạch, chữa trĩ do tác dụng của chất dioxy-flavonon. Ngoài ra, nó còn có tác dụng lọc máu, giải độc, giải nhiệt, kháng viêm, tăng sức miễn dịch của cơ thể.

Một nghiên cứu tại Viện đại học Y dược Toyama, Nhật Bản, đã cho thấy tác dụng chống ôxy-hóa của 12 loại dược thảo và hợp chất được chiết xuất từ chúng. Diếp cá là một trong 4 chất có tác dụng chống ôxy hóa mạnh nhất. Hợp chất quercetin của diếp cá loại trừ được các gốc tự do "cứng đầu" nhất.

Theo một nghiên cứu của Đại học Y khoa Koahsiung, Đài Loan, diếp cá có tác dụng ức chế đáng kể đối với sự sinh sản của virus herpes simplex. Nó được xem là dược thảo chữa trị bệnh này. Đại học Koahsiung cũng phát hiện diếp cá có tác dụng ngăn chặn 5 dòng tế nào ung thư máu.

Một số nghiên cứu khác cho thấy diếp cá có tác dụng chống viêm xoang kinh niên và polyp, làm tăng tưới máu sau phẫu thuật. Chất Houttuynin bisulphate natrium chiết xuất từ nó có thể điều trị viêm tuyến vú.

( Báo Sức Khoẻ& Đời Sống )
--------------

Một bài viết khác của GS. BS TRẨN VĂN KỲ

Rau diếp cá còn gọi là cây lá giấp, dùng làm thuốc với tên ngư tinh thảo, tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb, thuộc họ lá giấp (Saururaceae). Cây diếp cá mọc hoang khắp nơi ẩm thấp. Nhân dân ta thường hái về ăn với cá hoặc dùng làm rau sống ăn bún hay phở.

Theo sách dược học cổ truyền, diếp cá vị cay hơi hàn quy vào 2 kinh can và phế, tác dụng chủ yếu là: thanh nhiệt giải độc, làm tháo mủ (đối với mụn nhọt làm mủ) làm thông lợi tiểu tiện.

Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

1. Các hoạt chất của diếp cá có: Decanoyl, aceta aldehyde, lauric aldehyde, methyl-n-nonylketone, myrcene, capric aldehyde, capric acid, cordarine, calcium sulfate, calcium chloride, isoquercitrin, quercitrin, reynoutrin, hyperin.

2. Diếp cá có các tác dụng dược lý sau

Tính kháng khuẩn rộng: ức chế các loại tụ cầu vàng, liên cầu dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn coli, trực khuẩn lî, leptospira, nấm, virus cúm. Dịch chiết xuất bằng ete có tác dụng ức chế trực khuẩn lao (in vitro) (với nồng độ thấp nhất là 1:32000).

Diếp cá có tác dụng tăng chức năng miễn dịch của cơ thể, có tác dụng kháng viêm và lợi tiểu.

Theo sách Trung dược học, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện trong rau diếp cá có chất ngư tinh thảo tố có tác dụng ức chế ung thư.

3. Hiệu quả trị bệnh của rau diếp cá

Các thầy thuốc Trung Quốc đã dùng rau diếp cá trị bệnh và đã báo cáo những kết quả như sau:

Chư Vân Trình dùng mỗi ngày rau diếp cá 30g sắc cho bệnh nhân uống nóng ngày 1 lần trị 23 ca bệnh phổi gồm: 5 ca apxe phổi, 2 ca viêm phổi, 2 ca giãn phế quản, lao phổi kèm viêm phế quản cấp và bán cấp 14 ca, đều có kết quả. (Tạp chí Trung y dược Thượng Hải 1960).

Note: ca = case = trường hợp người bệnh

Tổ phòng trị bệnh viêm phế quản bệnh viện nhân dân số 3 trực thuộc trường Đại học y khoa số 2 Thượng Hải đã chiết chất ngư tinh thảo tố chế thành viên 30mg, cho 90 bệnh nhân uống mỗi lần 2 viên, ngày 3 lần, 10 ngày là 1 liệu trình, tỷ lệ có kết quả là 77%. (Tạp chí Tân y dược học 1973)

Nhiều tác giả khác đã dùng thuốc chích ngư tinh thảo tố để trị nhiều loại bệnh viêm nhiễm khác như viêm phần phụ, viêm cổ tử cung, viêm hố chậu, viêm phổi. 183 ca có kết quả. (Tân y học 1979).

Kỷ Hùng Khai và cộng sự dùng nước chưng rau diếp cá nhỏ mũi hàng ngày trị 33 ca viêm mũi teo kết quả tốt. (Tạp chí Tân y dược học 1977).

Ngoài ra có tác giả dùng rau diếp cá kết hợp với thổ phục linh, cỏ nhọ nồi, đông quý tử trị ung thư phổi hoặc kết hợp với hạt mã đề, kim tiền thảo trị viêm đường tiết niệu có kết quả. Bản thân tôi dùng rau diếp cá tươi 50-100g sắc nước ngâm rửa mỗi tối 15 phút trị phụ nữ máu trắng ra nhiều hoặc có viêm loét cổ tử cung đều có kết quả tốt.

(BS Trần Văn Kỷ)
=========

Thuốc chữa bệnh từ rau diếp cá

Rau diếp cá giã nát, lấy nước uống hạ sốt nóng cho trẻ nhỏ. Rau cũng có thể trị bệnh đau mắt đỏ hiệu quả.

Rau diếp cá có tên khác là cây lá giấp, ngư tinh thảo, rau vẹn, tập thái. Rau diếp cá có vị chua, cay, mùi tanh, tính mát, không độc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát khuẩn.

- Chữa sốt nóng trẻ em: Rau diếp cá (30g) để tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nửa bát nước nguội uống làm một lần đồng thời, lấy bã đắp vào thái dương. Nếu trẻ có sản giật thì dùng rau diếp cá (8g) phối hợp với củ sả (6g), quả xuyên tiêu (2g), cách làm và sử dụng như trên.

- Chữa đái nhắt, đái buốt: Rau diếp cá (20g), rau má (20g), mã đề (10g). Tất cả để tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống làm một lần trong ngày.

- Chữa đau mắt đỏ: Rau diếp cá tươi, rửa sạch, tráng qua nước đun sôi để nguội, để ráo nước, rồi giã nát, ép vào hai miếng gạc sạch, đắp lên mắt khi đi ngủ. Viện Mắt Trung ương đã cải tiến dạng dùng dân gian này thành dạng thuốc nước nhỏ mắt để chữa trên 60 trường hợp loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh, đạt kết quả hơn 83%.

- Chữa lòi dom: Rau diếp cá tươi (50g), rửa sạch, giã nhỏ, đắp vào dom sau khi đã rửa sạch bằng nước muối. Băng lại. Ngày làm một lần.

- Chữa trĩ sưng đau: Rau diếp cá (50g), nấu nước xông, đợi khi nước ấm, rửa sạch, rồi lấy bã đắp vào chỗ đau. Nếu trĩ ra máu, lấy rau diếp cá (2 phần) và bạch cập (1 phần) phơi khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 6 - 12g chia làm 2 - 3 lần.

- Chữa viêm tai giữa: Rau diếp cá phơi khô (20g), táo đỏ (10 quả). Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

- Chữa sỏi: Rau diếp cá (16g), rau dệu (16g), rau chiễu (12g), cam thảo đất (12g). Sắc uống ngày một thang. (Thuốc làm sỏi phát ra ngoài).

- Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Rau diếp cá (20g), xuyên tâm liên (16g)) hoàng bá (8g). Tất cả thái nhỏ, sắc uống làm hai lần trong ngày.

(Dược sĩ Hữu Bảo))
http://forums.chotnho.com/showthread.php?t=13803