Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Sunday, February 27, 2011

SỐ 2 : Bệnh Tiểu Đường , Hạnh Nhân (Almond)

SỐ 4 : Bệnh Tiểu Đường & Hạnh Nhân (Almond)
BS Nguyễn Văn Hoàng Cập Nhựt 2009/06/06



Khi tìm hiểu nhiều về thuốc thì chúng ta thấy hầu như không có thuốc nào có thể bảo đảm hiệu nghiệm trên 100 % bệnh nhân. Thí dụ như thuốc giảm cholesterol, thông thường thì rất hiệu nghiệm, nhưng rồi cũng có người uống mà không thuyên giảm. Thuốc trị bệnh tiểu đường cũng vậy. Lý do có thể là có những nguyên nhân hiếm khác gây nên căn bệnh hay bệnh nhân có cấu tạo sinh lý hơi khác thường. Nói về nguyên nhân của bệnh tiểu đường thì có 2 loại chính.


1. Tiểu đường loại 1 : thiếu insulin.





Insulin là một kích tố do một số tế bào của tuỵ tạng tiết ra, giúp cho đường từ trong huyết thanh được thấm vào tế bào. Một số người có hệ thống miễn nhiễm không bình thường, thay vì kháng thể chỉ dùng để đánh giặc như chống siêu vi khuẩn, đám quân kháng thể này lại đi "đục gà nhà", tấn công vào các tế bào của tuyến tuỵ này, khiến nó suy yếu, không cung cấp đủ lượng insulin. (Hiện tượng này cũng giống như trong thực tế, người chống Cộng không lo chống Cộng mà đi chống phe ta). Bệnh do kháng thể của ta tấn công vào mô, tập hợp của tế bào) của chính chúng ta được xếp chung thành một nhóm, gọi là auto-immune diseases, Hoàng dịch ra là bệnh Tự Kháng (tự điển y khoa của ykhoa.net dịch là bệnh "tự miễn nhiễm", và Hoàng không đồng ý với cách dịch này).



2. Tiểu đường loại 2 : Insulin Resistance





Bệnh nhân bị tiểu đường loại 2 không phải vì bị thiếu insulin mà là vì đường không hấp thụ vào tế bào một cách bình thường.



Có nhiều lý do đưa đến tình trạng này. Bệnh nhân thường ở tuởi trung niên hoặc cao niên và thường hơi "có da có thịt". Đa số không cần chích Insulin vì không bị thiếu nhưng nếu thuốc uống không khống chế được căn bệnh thì cũng đi đến việc chích Insulin.


Bên cạnh hai loại chính này người ta còn thấy có khoảng 2 % bệnh nhân được liệt vào loại MODY (Mature Onset Diabetes of the Young). Bệnh nhân cũng bị thiếu Insulin như loại 1 nhưng không phải vì bị hiện tượng tự kháng mà là vì có gene bất thường.


Hiểu biết của con người ngày càng tiến, cho nên kiến thức về nguyên nhân của bệnh tiểu đường chưa chắc dừng lại ở đây.. Chi tiết thì rất nhiều, song trọng tâm của câu hỏi là tác dụng của Hạnh Nhân lên lượng máu mở, nên chúng ta chỉ lược sơ về bệnh tiểu đường như trên, và bắt đầu nói sơ về chất béo.



Chất Béo







Chất béo là chất hữu cơ, tức là chất có chứa ít nhất là 2 nguyên tố căn bản, carbon và hydrogen, thường thì có thêm oxygen và nitrogen. Mối liên kết giữa các nguyên tử là liên kết "cộng hoá trị". Mỗi một nguyên tử carbon (than) có khả năng tạo 4 mối liên kết, ta cứ tưởng tượng như là một cục chuỳ có 4 cái xích, với móc ở đầu sợi xích. Khi mỗi một móc xích ấy nối với một nguyên tử khác trong phân tử chất béo thì ta gọi đó là liên kết bão hoà (saturated). Khi có 2 móc xích ấy nối giữa 2 nguyên tử carbon thì liên kết của phân tử chất béo ấy chưa bão hoà, hay không bão hoà (unsaturated). Trong một phân tử, nếu có một mối liên kết không bão hoà thì ta gọi là mono-unsaturated, còn có nhiều mối liên kết không bão hoà thì tiếng Anh gọi là poly-unsaturated.






Chất béo có hại cho sức khoẻ là saturated fat, tức là chất béo bão hoà. Cách dễ phân định xem chất béo nào hại cho ta là xem nó ở thể lỏng hay đặc ở nhiệt độ bình thường. Loại chất béo đặc ở nhiệt độ bình thường như mỡ heo là không tốt.





Chất béo ở dạng lỏng trong nhiệt độ bình thường thông thường là unsaturated fat, tức là chất béo không bão hoà, như dầu olive, và nó làm giảm lượng mỡ xấu ở trong người, tức là có lợi cho sức khoẻ, nói một cách chung chung là như vậy. Loại mono-unsaturated fat làm giảm mỡ xấu và không làm giảm mỡ tốt trong người, loại poly-unsaturated fat làm giảm cả hai loại mỡ.






(Mỡ xấu, LDL (Low Density Lipoprotein), là loại mỡ đóng vào thành mạch máu, đưa đến tắt nghẽn, mỡ tốt, HDL (High Density Lipoprotein) thì có tác dụng ngược lại. Gọi là mỡ tốt và xấu là để dễ hiểu và rất nôm na, kỳ thực lipoprotein là những phân tử chất đạm dùng để chuyên chở chất cholesterol. LDL thì chở cholesterol đổ lên mạch máu, còn HDL thì chở cholesterol đổ vào gan và được tiêu hoá đi.)



Hạnh Nhân Trị Bịnh ?





Hạnh Nhân là mono-unsaturated fat, cho nên theo hiểu biết trên, nó không những không có hại mà còn có lợi trong việc bảo vệ bệnh tim mạch vì nó làm giảm mỡ xấu.


Theo Journal of Nutrition http://www.whfoods.com/genpage.php?tname=foodspice&dbid=20, Hạnh Nhân không những làm giảm lượng đường trong máu sau buổi ăn mà còn làm sạch đông mạch.



Nhận Định Riêng Của BS Nguyễn Văn Hoàng

Liều Lượng, Liều Lượng & Liều Lượng





Kính thưa bác và quý vị,



Sau những điều trình bày trên thì Hạnh Nhân rất tốt cho cả bệnh tiểu đường lẫn bệnh tim mạch, vừa hạ lượng đường vừa hạ lượng mỡ xấu. Tuy nhiên khi xét hầu hết mọi sự trên đời này, bao gồm dược liệu, ta đều phải nhắc đến hai chữ quan trọng nhất : Liều Lượng. Ngay cả tiền và quyền, không có hay có quá ít thì cũng khổ, mà có dư quá thì dễ ... sanh tật. Nói về dược phẩm, muốn biết được liều lượng tối ưu thì cần có sự nghiên cứu tỉ mỉ.


Nghiên cứu của thuốc giảm mỡ của Tây Y được tiến hành trên cả trăm ngàn bệnh nhân. Còn liều lượng của Hạnh Nhân được nghiên cứu trên bao nhiêu bệnh nhân, có khảo sát phản ứng phụ chưa, thì Hoàng không biết. Hoàng cho rằng bất cứ một dược liệu nào khi bắt đầu có tác dụng chính, tức là tác dụng mà ta mong muốn thì cũng có kèm theo tác dụng phụ, tức là unwanted, hay side effects, nhiều hay ít, đáng kể hay không đáng kể mà thôi.



Trong hạt Hạnh Nhân, ngoài chất béo, nó còn chứa nhiều chất khác như manganese, Vitamin E, Magnesium, Tryptophan, đồng, Vietamin B12, lân tinh (phosphorus) ... Thuốc Tây không, hay ít có chứa tạp chất như vậy. Ăn/uống nhiều Hạnh Nhân quá có thể làm tăng hiểm nguy của sạn thận, làm sình bụng và làm mập. Mập thì không tốt cho sức khoẻ.


Nếu xem trên internet thì ta sẽ thấy Tây Phương nói rất nhiều về công dụng của Hạnh Nhân đối với bệnh tiểu đường chớ không phải chỉ có đông y mới biết, song Hạnh Nhân vẫn chưa được chính thức là một trị liệu mà bộ y tế Úc khuyến khích BS sử dụng. Bảo rằng dược thảo không có hay ít có tác dụng phụ như thuốc Tây chỉ chứng minh sự thiếu hiểu biết của mình mà thôi.



Theo quan điểm của Hoàng, nếu chúng ta ở một nơi mà không có thuốc Tây, Hạnh Nhân trúng mùa, hoặc nếu thuốc Tây chữa không xong, thì mới dùng đến các liều dược thảo. 3 lý do chính là (1) dược thảo ít khi được nghiên cứu tường tận, (2) có chứa nhiều tạp chất và (3) bất tiện khi dùng (phải nấu, phải gạn, uống nhiều, trong khi thuốc Tây "bụp" một viên vô miệng là xong) mà chưa chắc rẻ hơn.






Nếu đi xe hơi được thì ta không cần đi ngựa, trừ phi gặp vùng núi non, không có đường xá. Đi ngựa là một thể thao, một thú tiêu khiển hơn là phương tiện di chuyển chính. Thuốc Tây ví như xe hơi mà Hạnh Nhân ví như tuấn mã.





Để kết luận câu trả lời cho bác, Hoàng nghĩ, dùng một liều lượng nhỏ hạt Hạnh Nhân có lợi cho sức khoẻ, nhưng không nên dùng nó như trị liệu chính cho căn bệnh tiểu đường, vì nghiên cứu về dược tính và độc tính của loại hạt này ở liều lượng có thể chữa được bệnh chưa được rõ ràng.



BS Nguyễn Văn Hoàng

(hoang4eb@gmail.com)

http://www.congdongnguoiviet.fr/KhoaHoc/0906BinhTieuDuongH.htm