Nguồn gốc, công dụng và dược tính cây cối ở Sài Gòn và các vùng phụ cận
Dọc theo đường phố Sài Gòn và các vùng phụ cận người ta trồng nhiều cây to để có bóng mát cho người đi đường, tạo vẽ mỹ quan và thanh lọc không khí cho thành phố. Cây cối được tìm thấy dọc theo đường phố hoặc ở các học đường, công sở hay trung tâm huấn luyện quân sự ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là: cây dầu, cây sao, cây me, cây me keo, cây dái ngựa, cây điệp (phượng vĩ), cây me tây và cây mã đậu. Dưới đây chúng tôi xin lần lượt nói qua về các loại thảo mộc trên.
Cây Dầu
Người Thủ Dầu Một không lạ gì với cây dầu. Địa danh Thủ Dầu Một cho thấy tỉnh nầy nổi tiếng về cây dầu với hai câu thơ trở thành ca dao địa phương vào đầu thế kỷ thứ XX:
Ngó lên chợ Thủ cây dầu
Có thằng bắt diệt té nhào lộn xương.
Dưới thời Pháp thuộc các đường Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự), Galliéni (Trần Hưng Đạo), Armand Rousseau (Hùng Vương), 11ème RIC (Nguyễn Hoàng)... là những đường có nhiều cây dầu.
Cây dầu còn được gọi là dầu nước hay dầu rái trắng là một loại cây không nhánh cao từ 30-40m. Đó là một loại thảo mộc miền nhiệt đới được tìm thấy nhiều ở Đông Nam Á. Nó thuộc gia đình Dipterocarpaceae (Theo tiếng Hy Lạp karpos: trái; pteron: cánh; tức loại cây có trái có cánh như trái cây dầu, cây sao, cây giáng hương với tên khoa học Pterocarpus santalinus). Tên khoa học của cây dầu là Diptero carpus alatus.
Cây dầu có nhiều nhựa. Gỗ dầu cứng nhưng không láng và không bóng khi đánh vẹt-ni. Gỗ dầu được dùng để làm nhà hay đóng bàn ghế thông dụng. Ngày xưa dân chúng ở những nơi có nhiều cây dầu dùng nhựa dầu để thắp đèn. Nhựa nầy cũng được dùng để trét ghe. Người ta cũng dùng nhựa dầu lọc sạch để trị vết thương. Nó thay dầu nhựa thơm copaiba hay nhựa Jesuit để trị bịnh phong tình nhưng kết quả không được khả quan.
Cây Sao
Cây sao là một thân thuộc gần của cây dầu. Đó là một loại thảo mộc miền nhiệt đới thuộc gia đình Dipterocarpaceae dưới tên khoa học Hopea odorata.
Cây sao được tìm thấy dọc theo đường Legrand de La Liraye (Phan Thanh Giản), trước trường Gia Long, quanh trường Marie Curie, công viên cạnh Nhà thờ Đức Bà và vài đường trong vùng Đa Kao. Nhiều cây sao bị đốn bỏ khi đường Phan Thanh Giản được nới rộng để nối với xa lộ Biên Hòa.
Cây sao cao từ 25-30 m. Nó có ít nhánh trong khi cây dầu không có nhánh. Trái sao nhỏ hơn trái cây dầu nhưng cả hai đều có cánh. Khi rụng trái xoay tròn trên không trung như những chiếc chong chóng.
Gỗ sao láng và đắt tiền hơn gỗ dầu. Nó được dùng để đóng bàn ghế và ghe thuyền. Vỏ cây sao được dùng trong nha khoa để trị đau răng, sâu răng, sưng nướu răng, chân răng làm mủ. Nhựa cây sao dùng để làm vẹt-ni đánh bóng bàn ghế. Chữ odorata trong tên khoa học Hopea odorata của cây sao cho thấy hương thơm của nhựa loại thảo mộc nầy.
Về cây sao ca dao Việt Nam có câu:
Cảm thương ô dước, bời lời
Cha sao, mẹ sếnh dựa nơi gốc bần.
Cây Me
Cây me là một loại thảo mộc miền xích và nhiệt đới. Nhiều đường phố ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Bà Chiểu có trồng me. Các đường Taberd (Nguyễn Du), De La Grandière (Gia Long) từ tòa án Sài Gòn về phía bịnh viện Grall (Đồn Đất) có nhiều cây me.
Cây me thuộc gia đình Caesalpiniaceae. Tên khoa học của nó là Tamarindus indica như ngầm chỉ nguồn gốc Ấn Độ của nó.
Gỗ me rất dẻo. Ở Việt Nam, Thái Lan hay Cambodia thớt làm bằng gỗ me được các bà nội trợ ưa thích vì gỗ dẻo, thớt không bị nứt như những loại thớt làm bằng các loại gỗ khác.
Người ta cho rằng người trèo me bị té thì khó sống. Có lẽ vì nhánh me dẻo nên người trèo ỷ lại, trèo cao và ra xa nên khi lỡ bị té thì tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Trái me hình vòng cung như chữ C. Bên trong có nhiều hột bao quanh bởi một lớp cơm me mỏng. Hột me chín màu hung đỏ, cứng và bóng láng rất đẹp mắt. Trái me sống rất chua. Khi chín vị chua giảm nhưng me vẫn không ngọt. Me ngọt cũng chỉ ngọt lợ mà thôi. Đó là đặc điểm của loại trái cây nầy. Người ta ăn me non với nước mắm đường hay mắm ruốt. Người ta làm mứt me khi trái me vừa bắt đầu già. Me rim đường hay ngâm cam thảo là món ăn được tuổi trẻ Việt Nam ưa thích nhất là các nữ sinh. Me chín được ngào đường hay dùng để làm thức uống. Trẻ em thích ăn me dốt và me ngào đường có chút mè rang. Me dốt là trái me già sắp chín. Người ta vắt me chín kể cả hột và giữ trong lọ để nấu canh chua với cá, giá, bạc hà, cà tô mát, đậu bắp và nêm với chút rau thơm như quế, rau tần dày lá hay ngò om. Người Ấn Độ thường dùng me trong thức ăn của họ để ngừa táo bón. Người Thái dùng bột me trộn với ớt khô tán thành bột làm nguyên liệu sản xuất ra tom yum dùng để nấu canh chua với màu sắc đậm đà và hương vị đặc biệt. Hột me rang được dùng thay cơm trong những năm thiếu thóc lúa.
Trái me nhuận trường. Nó có ác xít citric, tartaric, malic, đường, potassium bitartrate, pectin, chất vôi, sinh tố B nhưng không có sinh tố A và C. Nó cũng được dùng với các loại thuốc khác để ngăn chận chứng tiêu chảy. Người ta nấu lá me để tắm khi bị ghẻ. Ở Cambodia người ta nấu lá me, lọc sạch và nhỏ vào mắt khi bị đau mắt. Người Phi Luật Tân dùng lá me nấu nước tắm khi lên cơn sốt.
Trước đệ nhị thế chiến ở miền Nam người ta dùng hột me để hốt me. Đó là một môn cờ bạc gồm bốn cửa: yêu, lượng, tam, túc. Búng hột me là một trò chơi của các nữ sinh tiểu học ở Việt Nam trước kia. Trò chơi nầy đòi hỏi các em phải có sự quan sát nhanh và hành động chính xác mới thắng được.
Ở Việt Nam có:
1.- Me gián: me trái to và dẹp.
2.- Me đậu phọng: hột to, trái nhỏ và ít cơm.
3.- Me mốc: me chín khô, vỏ bị mốc lại.
Chữ me Tây không liên hệ gì đến cây me hay trái me cả. Chữ me ở đây là âm của chữ mère (mẹ) của tiếng Pháp. Me Tây là tiếng lóng có nghĩa không mấy tốt đẹp. Nó ám chỉ những người phụ nữ Việt Nam có chồng Tây (Pháp).
Cây Me Keo
Ở Phi Luật Tân có một loại me được người Tây Ban Nha đem vào nước nầy từ Trung Mỹ. Đó là me Ma Ní (1) thuộc gia đình trinh nữ Mimosaceae và được biết dưới tên khoa học Pithecellobium dulce hay Mimosa dulce. Cây me Ma Ní được dân ta gọi là cây me keo.
Cây me keo ở Việt Nam mang tên khoa học Acacia farnesiana hay Mimosa farnesiana thuộc gia đình trinh nữ Mimosaceae. Trung Mỹ là sinh quán của cây me keo. Đó là một loại thảo mộc vùng khí hậu nóng và khô. Cây me keo cao từ 15 - 20m, lá nhỏ và cứng. Thân và cành đều có gai. Đó là đặc tính chung của thảo mộc ở những vùng nóng và khô hạn. Ở Gia Định có xóm Hàng Keo giữa trường Mỹ Thuật Gia Định và trường Đạt Đức.
Hoa me keo màu trắng ngà rất hấp dẫn đối với loài ong. Hoa cây me keo ở Úc Đại Lợi Pithecellobrium pruinosum thu hút loài ong đến hút nhụy. Việc khai thác mật ong vẫn quan trọng ở những vùng khô hạn nhờ sự có mặt của cỏ alfa-alfa Medicago sativa, cây me keo họ Mimosa hay Pithecellobrium, cỏ nhãn hương Melilotus officinalis.
Trái me keo màu đỏ nhạt khi chín. Nó giống như trái me nhưng nhỏ. Trái có nhiều mắt. Mỗi mắt là một hột. Cơm trái me keo trắng và có mùi nồng khó chịu. Lá me keo cũng vậy. Ở các thảo dã Phi Châu lá me keo là món ăn ưa thích của loài hươu cao cổ. Lá già của cây me keo có chất tương tự với insulin dùng để chữa bịnh tiểu đường. Gỗ me keo dẻo và chắc. Vỏ cây me keo rất chát. Nó được dùng để lấy chất chát tannines dùng trong ngành thuộc da. Ở Pháp me keo Acacia farnesiana được dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa. Lá me keo Arcacia myrtifolia được dùng thay thế houblon để làm rượu bia. Hột me keo Arcacia victoriae rang được dùng để thay thế cà phê. Đó là thức uống wattlecino nổi tiếng ở Phi châu.
Thổ dân ở Úc Đại Lợi dùng me keo Arcacia trachycarpa và Arcacia ancistrocarpa mọc trong sa mạc để làm thuốc trị ho, nhức đầu, đau cuống họng, v.v...
Người Việt Nam không thích ăn trái me keo vì không có hương vị hấp dẫn. Me keo cũng không được dùng làm thuốc. Người ta trồng nó và xương rồng làm hàng rào vì có nhiều gai. Me keo có lợi hơn xương rồng vì cho củi và bóng mát.
Cây Dái Ngựa
Người Pháp du nhập loại thảo mộc nầy vào nước ta vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Người Việt Nam cho loại cây nầy một cái tên thô tục vì trái của nó giống ngoại thận của loài mã tộc.
Cây dái ngựa gốc ở các hải đảo trong biển Caribbean được người Âu Châu khám phá vào thế kỷ XVIII. Nó thuộc gia đình Meliaceae và mang tên khoa học Sweitenia mahogani. Người Tây Ban Nha gọi là mahogany. Một thân thuộc khác của nó là Sweitenia macrophylla có lá to. Loại nầy có nhiều ở Honduras.
Cây dái ngựa là một loại cây có thể cao đến 50 m, gỗ màu hung đỏ, đẹp và rắn chắc. Người Pháp đem giống cây nầy trồng ở các thuộc địa của họ ở Phi Châu, từ đó đem vào Việt Nam. Vì vậy không ít người Việt Nam nghĩ rằng cây dái ngựa gốc ở Phi Châu. Ở tây bộ Phi Châu có cây Khaya ivorensis giống như cây dái ngựa, gỗ rất cứng nên được gọi là cây mahogany Phi Châu. có lẽ nhiều người Việt Nam cho rằng cây dái ngựa gốc ở Phi Châu là vì sự hiện diện của cây Khaya ivorensis nầy. Gỗ cây nầy được dùng để đóng tàu và làm bàn ghế đắt tiền.
Trên đường De La Grandière (Gia Long) từ Ngã Sáu đến đường Garros (Nguyễn Trung Trực) có nhiều cây dái ngựa. Vào mùa hè trái khô nổ tung như trái cao su vậy. Ở Việt Nam không thấy người ta dùng gỗ cây dái ngựa trong ngành mộc. Nhưng ở Âu Châu và Mỹ Châu gỗ cây nầy có giá cao ngoài thị trường. Gỗ cây dái ngựa (mahogany) được dùng đóng bàn ghế và khung cấp bằng đắt tiền ở các nước Âu Mỹ. Ở Phi Luật Tân có một loại cây, gỗ màu hung đỏ giống như gỗ cây dái ngựa nhưng thuộc họ Shorea như cây sếnh (Shorea cochinchinensis) ở nước ta. Loại cây nầy được gọi là cây dái ngựa Phi Luật Tân. Gỗ được dùng trong ngành mộc và ngành xẻ gỗ. Tiếng Tagalog (2) gọi là lauan.
Cây Phượng Vĩ
Khi người Pháp đặt nền móng cai trị ở Việt Nam, quanh các trường học đều có trồng cây điệp hay phượng vĩ. Trong khuôn viên các trường Pétrus Ký, Gia Long, Chasseloup Laubat, Marie Curie đều có cây phượng vĩ.
Cây phượng vĩ (phượng: chim phượng hoàng, vĩ: đuôi) thuộc gia đình Caesalpiniaceae. Tên khoa học của nó là Delonix regia. Đây là một loại cây to có nhiều nhánh to nên cho nhiều bóng mát. Gỗ cây phượng vĩ không có gì đặc biệt. Trái điệp dài và có nhiều hột đen và cứng khi chín. Hột điệp rang ăn rất ngon. Hoa phượng vĩ màu đỏ thắm và kết thành chùm rất đẹp Người Pháp gọi cây phượng vĩ là flamboyant vì màu đỏ rực của loại hoa nở vào mùa hè nầy. Người Anh gọi nó là flame tree không ngoài ý nghĩa của chữ flamboyant. Ngoài ra người Anh còn gọi nó là royal poinciana (3) mà ta dịch là điệp hoàng gia. Người Việt Nam cho nó một cái tên sang trọng là phượng vĩ (đuôi chim phượng hoàng).
Thân thuộc gần của phượng vĩ là các cây điệp thuộc họ Caesalpina hay Peltophorum thấp và có hoa vàng pha lẫn đỏ. Hầu hết các loại thảo mộc họ Delonix, Caesalpina, Peltophorum đều gốc ở Madagasca, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Ấn Độ, Úc Đại Lợi Người ta tin rằng Madagasca là sinh quán của cây phượng vĩ Delonix regia.
Vỏ cây điệp được dùng trong ngành nhuộm và thuộc da. Mã Lai nổi tiếng về việc xuất cảng gỗ cây điệp Caesalpina sappan để xẻ gỗ.
Cách Sài Gòn 12 cây số có xã Trung Chánh thuộc quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Xã nầy có nhiều cây điệp. Một trường võ bị đào tạo sĩ quan độc lập ở đây trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp trước khi trường võ bị Thủ Đức ra đời. Đó là trường sĩ quan Trung Chánh hay Cây Điệp.
Hoa phượng vĩ lưu lại nhiều kỷ niệm êm đềm trong lứa tuổi đôi mươi ở Việt Nam. Đó là nguồn thơ, nguồn văn và nguồn nhạc với:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
hay:
Gốc phượng gì khắc ghi bao kỷ niệm
Mái trường xưa nay vắng bóng thầy già
(P.Đ. L.)
Hoa phượng vĩ nở rộ vào mùa hè. Mùa hè ở Việt Nam là mùa mưa và cũng là mùa thi. Tiếng ve sầu ngân lên khi hoàng hôn tắt nắng tạo thành một điệu nhạc buồn da diết. Màu đỏ của hoa phượng là màu hạnh phúc của những người toại nguyện trong các kỳ thi. Tiếng ve sầu và giọt mưa rào nhiệt đới là những tiếng nấc khóc trong tim của những sĩ tử bất toại công danh hay học tài thi phận.
Cây Me Tây
Gọi là me Tây vì loại thảo mộc nầy có lá nhỏ và giống lá me và vì sinh quán của nó ở Mỹ Châu nhiệt đới (phía Tây đối với Việt Nam). Như vậy cây nầy được người Pháp du nhập vào Việt Nam sau khi thiết lập nền móng cai trị tại nước ta. Nhưng tên gọi cây me Tây và tiếng lóng me Tây hoàn toàn không có liên hệ gì với nhau cả. Trong một tình cờ đầy hứng thú tên gọi me Tây lại sát nghĩa với tên gọi French tamarind mà người Anh dùng để gọi cây nầy ngoài những tên gọi khác như rain tree và monkeypod. French tamarind là me Pháp. Người Việt Nam gọi Pháp là Tây. Vậy me Pháp tức là me Tây.
Người ta thấy có nhiều cây me Tây dọc theo đường Hui Bon Hoa (Lý Thái Tổ), đường Nancy (Khải Định rồi Cộng Hòa), đường Arras (Cống Quỳnh), ngang hông thành Ô Ma, trong khuôn viên trường Pétrus Ký, Đại Học Khoa Học, Đại Học Sư Phạm và Quốc Gia Sư Phạm và một vài đường phố ở Chợ Lớn và vùng Chợ Quán.
Cây me Tây thuộc gia đình Mimosaceae (trinh nữ). Tên khoa học của nó là Samanea saman. Người Anh gọi me Tây là rain tree, monkeypod, French tamarind.
Cây me Tây cao từ 20 - 30 m, gốc to, tàng rộng, lá nhỏ. Hoa cây me Tây màu đỏ nhạt và hao hao giống như hoa trinh nữ (mắc cở). Giống như cây mắc cở, lá me Tây khép lại khi trời mưa. Vì thế không thể lánh mưa dưới tàng cây me Tây được. Có phải chăng vì vậy mà người Anh gọi cây nầy là rain tree? Loài khỉ thích ăn hoa me Tây vì có vị ngọt. có lẽ vì vậy mà cây nầy có thêm tên gọi monkeypod.
Cây me Tây được trồng bằng hột. Cây tăng trưởng rất nhanh. Nó cho nhiều gỗ và bóng mát trong một thời gian ngắn. Nó được trồng nhiều ở Đông Nam Á, Mỹ châu nhiệt đới và trên các hải đảo Thái Bình Dương. Trẻ em thích ăn trái me Tây chín vì có vị ngọt như cam thảo. Lá và hoa me Tây được xem là nguồn thức ăn ngon cho dê, trừu, bò. Gỗ cây me Tây chắc và đẹp. Nó có công dụng lớn đối với cư dân sống trên các hải đảo Thái Bình Dương. Dân hải đảo dùng nó làm đồ mộc, chén bát bằng gỗ và bình chứa nước, v.v... Ở Hawaii người ta dùng hột trái me Tây để làm dây chuyền bán cho du khách làm vật kỷ niệm,
Người ta dùng vỏ cây me Tây nấu nước nóng dần lên bụng để trị táo bón. Ở Phi Luật Tân nước sắc của vỏ và lá cây me Tây dùng để trị tiêu chảy. Dân chúng ở West Indies nhai hột me Tây khi bị đau cuống họng. Nói chung rễ, lá, hột và vỏ cây me Tây đều được cư dân Mỹ Châu nhiệt đới và hải đảo Thái Bình Dương dùng làm thuốc.
Mã Đậu
Cây mã đậu còn được gọi là mã dậu linh hay ba dậu Tây vì gốc Mỹ Châu nhiệt đới của nó. Người ta dùng chữ ba dậu Tây để phân biệt với ba dậu Nam (Curcas purgans). Cây mã đậu (ba dậu Tây hay ba dậu Nam) đều thuộc gia đình Euphorbiaceae dưới tên khoa học Hura crepitans. Tất cả các loại thảo mộc thuộc gia đình Euphorbiaceae đều tiêu xổ mạnh, có chất độc nên không ăn được. Hột cây mã đậu (ba dậu Tây) và cây ba dậu Nam đều tẩy xổ rất mạnh.
Cây mã đậu cao từ 15 - 20 m. Thân cây có nhiều gai. Lá màu xanh nhạt. Hoa màu đỏ nhạt. Trái có vỏ cứng. Bên trong có nhiều hột chứa nhiều chất dầu và chất độc có tính tẩy xổ rất mạnh có thể gây tử vong. Khi chín trái khô nổ tung lên, hột văng tung tóe như trái cao su hay trái dái ngựa. Chữ Hura creptians trong tên khoa học diễn tả tính nổ lốp bốp của trái mã đậu khô cũng như sự phun vọt nhựa từ thân và lá của cây nầy (creptitation). Lá mã đậu có mùi rất hăng. Chỉ có dê ăn được lá nầy mà thôi. Hột mã đậu có nhiều chất dầu (40%) và cả chất độc vì sự hiện diện của chất toxialbumin. Dùng vỏ và hột mã đậu với liều lượng cao rất nguy hiểm. Nhựa cây mã đậu rất độc nếu rơi vào mắt hay đụng vào da. Nó có hurin, một chất lỏng không màu sắc, dùng để thuốc cá. Thổ dân ở Nam Mỹ dùng nó làm thuốc độc. Nhưng người ta dùng nhựa mã đậu để trị bịnh cùi hay bịnh chân voi (elephantiasis) (4).Gỗ cây mã đậu không tốt. Nó được dùng để làm nhà, làm bàn ghế, đóng hộp và thùng hở. Bánh dầu mã đậu lại là một loại phân bón tốt cho đất.
Người ta cho rằng ăn nhiều hột ba dậu bị tiêu xổ đến thẳng ruột mà chết. Chứng tiêu chảy nầy rất khó trị ngoại trừ dùng hột mã đậu chà lên huyệt Ấn Đường (giữa hai chân mày) cho đến khi da phồng lên thì người bịnh mới khỏi.
Cây mã đậu có nhiều gai lại có nhiều độc tính nên người Việt Nam không dám trồng mã đậu trước nhà. Người Việt Nam gọi ba dậu là bả dậu nên không dám trồng cây nầy trước nhà vì sợ cuộc đời bị bả ra! (5). Cây mã đậu được trồng nhiều ở các quân trường ở miền Nam Việt Nam để có bóng mát vì mã đậu dễ trồng và tăng trưởng rất nhanh.
Người Anh gọi cây mã đậu là sandbox tree, possumwood. Người Mễ Tây Cơ gọi là arbol del diablo (cây ma).
Phạm Đình Lân, F.A. B. I.
__________
Chú thích:
(1) Ma Ní: Manila, thủ đô của Phi Luật Tân
(2) Ở Phi Luật Tân có nhiều thổ ngữ. Tiếng Tagalog là thổ ngữ quan trọng được nhiều người dùng nhất.
(3) Do tên của thống đốc Pháp trên quần đảo Antilles vào thế kỷ XVII: De Poinci
(4) Bịnh do nhiễm trùng sán chỉ Wucheria bancrofti hay Brugia malayi mà ra. Nơi nhiễm trùng bị sưng phù, đau nhức, đặc biệt là chân to lên giống như chân voi.
(5) Người ta không dám trồng chuối trước nhà vì sợ cuộc đời bị chúi nhủi dù vẫn biết rằng chuối và chúi nhủi đồng âm nhưng không đồng nghĩa và hoàn toàn khác nhau về phương diện chính tả.
http://www.caidinh.com/trangluu/vanhoaxahoi/vanhoa/nguongoccongdung.htm