SỐ 6 : ME RẤT TÔT CHO NHUẬN TRƯỜNG
Người Ấn Độ thường dùng me trong thức ăn của họ để ngừa táo bón. Người Thái dùng bột me trộn với ớt khô tán thành bột làm nguyên liệu sản xuất ra tom yum dùng để nấu canh chua với màu sắc đậm đà và hương vị đặc biệt. Hột me rang được dùng thay cơm trong những năm thiếu thóc lúa.
Trái me nhuận trường. Nó có ác xít citric, tartaric, malic, đường, potassium bitartrate, pectin, chất vôi, sinh tố B nhưng không có sinh tố A và C. Nó cũng được dùng với các loại thuốc khác để ngăn chận chứng tiêu chảy. Người ta nấu lá me để tắm khi bị ghẻ. Ở Cambodia người ta nấu lá me, lọc sạch và nhỏ vào mắt khi bị đau mắt. Người Phi Luật Tân dùng lá me nấu nước tắm khi lên cơn sốt.
Trước đệ nhị thế chiến ở miền Nam người ta dùng hột me để hốt me. Đó là một môn cờ bạc gồm bốn cửa: yêu, lượng, tam, túc. Búng hột me là một trò chơi của các nữ sinh tiểu học ở Việt Nam trước kia. Trò chơi nầy đòi hỏi các em phải có sự quan sát nhanh và hành động chính xác mới thắng được.
Ở Việt Nam có:
1.- Me gián: me trái to và dẹp.
2.- Me đậu phọng: hột to, trái nhỏ và ít cơm.
3.- Me mốc: me chín khô, vỏ bị mốc lại.
Chữ me Tây không liên hệ gì đến cây me hay trái me cả. Chữ me ở đây là âm của chữ mère (mẹ) của tiếng Pháp. Me Tây là tiếng lóng có nghĩa không mấy tốt đẹp. Nó ám chỉ những người phụ nữ Việt Nam có chồng Tây (Pháp).
Cây Me Keo
Ở Phi Luật Tân có một loại me được người Tây Ban Nha đem vào nước nầy từ Trung Mỹ. Đó là me Ma Ní (1) thuộc gia đình trinh nữ Mimosaceae và được biết dưới tên khoa học Pithecellobium dulce hay Mimosa dulce. Cây me Ma Ní được dân ta gọi là cây me keo.
Cây me keo ở Việt Nam mang tên khoa học Acacia farnesiana hay Mimosa farnesiana thuộc gia đình trinh nữ Mimosaceae. Trung Mỹ là sinh quán của cây me keo. Đó là một loại thảo mộc vùng khí hậu nóng và khô. Cây me keo cao từ 15 - 20m, lá nhỏ và cứng. Thân và cành đều có gai. Đó là đặc tính chung của thảo mộc ở những vùng nóng và khô hạn. Ở Gia Định có xóm Hàng Keo giữa trường Mỹ Thuật Gia Định và trường Đạt Đức.
Hoa me keo màu trắng ngà rất hấp dẫn đối với loài ong. Hoa cây me keo ở Úc Đại Lợi Pithecellobrium pruinosum thu hút loài ong đến hút nhụy. Việc khai thác mật ong vẫn quan trọng ở những vùng khô hạn nhờ sự có mặt của cỏ alfa-alfa Medicago sativa, cây me keo họ Mimosa hay Pithecellobrium, cỏ nhãn hương Melilotus officinalis.
Trái me keo màu đỏ nhạt khi chín. Nó giống như trái me nhưng nhỏ. Trái có nhiều mắt. Mỗi mắt là một hột. Cơm trái me keo trắng và có mùi nồng khó chịu. Lá me keo cũng vậy. Ở các thảo dã Phi Châu lá me keo là món ăn ưa thích của loài hươu cao cổ. Lá già của cây me keo có chất tương tự với insulin dùng để chữa bịnh tiểu đường. Gỗ me keo dẻo và chắc. Vỏ cây me keo rất chát. Nó được dùng để lấy chất chát tannines dùng trong ngành thuộc da. Ở Pháp me keo Acacia farnesiana được dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa. Lá me keo Arcacia myrtifolia được dùng thay thế houblon để làm rượu bia. Hột me keo Arcacia victoriae rang được dùng để thay thế cà phê. Đó là thức uống wattlecino nổi tiếng ở Phi châu.
Thổ dân ở Úc Đại Lợi dùng me keo Arcacia trachycarpa và Arcacia ancistrocarpa mọc trong sa mạc để làm thuốc trị ho, nhức đầu, đau cuống họng, v.v...
Người Việt Nam không thích ăn trái me keo vì không có hương vị hấp dẫn. Me keo cũng không được dùng làm thuốc. Người ta trồng nó và xương rồng làm hàng rào vì có nhiều gai. Me keo có lợi hơn xương rồng vì cho củi và bóng mát.
Cây Me Tây
Gọi là me Tây vì loại thảo mộc nầy có lá nhỏ và giống lá me và vì sinh quán của nó ở Mỹ Châu nhiệt đới (phía Tây đối với Việt Nam). Như vậy cây nầy được người Pháp du nhập vào Việt Nam sau khi thiết lập nền móng cai trị tại nước ta. Nhưng tên gọi cây me Tây và tiếng lóng me Tây hoàn toàn không có liên hệ gì với nhau cả. Trong một tình cờ đầy hứng thú tên gọi me Tây lại sát nghĩa với tên gọi French tamarind mà người Anh dùng để gọi cây nầy ngoài những tên gọi khác như rain tree và monkeypod. French tamarind là me Pháp. Người Việt Nam gọi Pháp là Tây. Vậy me Pháp tức là me Tây.
Người ta thấy có nhiều cây me Tây dọc theo đường Hui Bon Hoa (Lý Thái Tổ), đường Nancy (Khải Định rồi Cộng Hòa), đường Arras (Cống Quỳnh), ngang hông thành Ô Ma, trong khuôn viên trường Pétrus Ký, Đại Học Khoa Học, Đại Học Sư Phạm và Quốc Gia Sư Phạm và một vài đường phố ở Chợ Lớn và vùng Chợ Quán.
Cây me Tây thuộc gia đình Mimosaceae (trinh nữ). Tên khoa học của nó là Samanea saman. Người Anh gọi me Tây là rain tree, monkeypod, French tamarind.
Cây me Tây cao từ 20 - 30 m, gốc to, tàng rộng, lá nhỏ. Hoa cây me Tây màu đỏ nhạt và hao hao giống như hoa trinh nữ (mắc cở). Giống như cây mắc cở, lá me Tây khép lại khi trời mưa. Vì thế không thể lánh mưa dưới tàng cây me Tây được. Có phải chăng vì vậy mà người Anh gọi cây nầy là rain tree? Loài khỉ thích ăn hoa me Tây vì có vị ngọt. có lẽ vì vậy mà cây nầy có thêm tên gọi monkeypod.
Cây me Tây được trồng bằng hột. Cây tăng trưởng rất nhanh. Nó cho nhiều gỗ và bóng mát trong một thời gian ngắn. Nó được trồng nhiều ở Đông Nam Á, Mỹ châu nhiệt đới và trên các hải đảo Thái Bình Dương. Trẻ em thích ăn trái me Tây chín vì có vị ngọt như cam thảo. Lá và hoa me Tây được xem là nguồn thức ăn ngon cho dê, trừu, bò. Gỗ cây me Tây chắc và đẹp. Nó có công dụng lớn đối với cư dân sống trên các hải đảo Thái Bình Dương. Dân hải đảo dùng nó làm đồ mộc, chén bát bằng gỗ và bình chứa nước, v.v... Ở Hawaii người ta dùng hột trái me Tây để làm dây chuyền bán cho du khách làm vật kỷ niệm,
Người ta dùng vỏ cây me Tây nấu nước nóng dần lên bụng để trị táo bón. Ở Phi Luật Tân nước sắc của vỏ và lá cây me Tây dùng để trị tiêu chảy. Dân chúng ở West Indies nhai hột me Tây khi bị đau cuống họng. Nói chung rễ, lá, hột và vỏ cây me Tây đều được cư dân Mỹ Châu nhiệt đới và hải đảo Thái Bình Dương dùng làm thuốc.
http://www.caidinh.com/trangluu/vanhoaxahoi/vanhoa/nguongoccongdung.htm