Vừa tiêu chảy, vừa táo bón Reply with quote
Hội chứng ruột dễ kích thích được chia làm 3 thể tùy theo triệu chứng: thể lỏng, thể táo, và thể táo lỏng xen nhau.
Thể lỏng gặp nhiều hơn với triệu chứng đau tức vùng bụng (thường ở bên dưới, trái), hay đau sau ăn sáng, bắt buộc phải đi đại tiện ngay. Bệnh nhân đầy hơi trướng bụng kéo dài, đại tiện xong là cảm thấy dễ chịu. Phân không thành khuôn, lỏng, nát, có nhầy (thường nhiều vào buổi sáng) nhưng không có máu. Người bệnh có thể đại tiện phân sống, có lẫn bã thức ăn chưa tiêu hết. Khi ăn uống bất thường, thay đổi thời tiết, thay đổi sinh hoạt... các triệu chứng trên lại tái phát và nặng thêm.
Trong thể táo, hơn 3-4 ngày bệnh nhân mới đại tiện một lần, hoặc lâu hơn nữa. Phân vón cục cứng ở đoạn đầu; đoạn sau phân ướt có nhiều chất nhầy đặc. Thường người bệnh rất đau nhưng cũng có người không đau.
Một số bệnh nhân có hiện tượng đi lỏng giả: phân vẫn cục cứng nhưng lẫn với nước nhiều. Thường trong ngày bệnh nhân vẫn bị đầy hơi, tức bụng ở vùng trên rốn, ợ hơi hoặc trung tiện được thì dễ chịu. Ban đêm khi ngủ, họ thường hay bị sôi bụng và cuộn ruột thành thừng di động, nhất là khi bị lạnh, nhưng ít khi phải thức dậy để đi đại tiện.
Người bệnh thường tự giác kiêng các loại thức ăn như: tôm, cua, ốc, ếch, cá, trứng, sữa, mỡ, chua, cay, ngọt... vì sợ ăn các thứ ấy vào bệnh sẽ dễ tái phát. Ngoài ra, hội chứng ruột dễ kích thích còn có những biểu hiện khác như hay đau đầu theo thời tiết, hay hồi hộp, dễ vui cũng dễ buồn, hay đau lưng, ra mồ hôi chân tay, đi tiểu buốt...
Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ. Các nhà khoa học chỉ phát hiện bệnh có liên quan đến rối loạn vận động cảm giác của ruột kèm theo rối loạn về tâm lý.
Hội chứng ruột dễ kích thích được chẩn đoán dựa vào các tiêu chí:
- Trong một năm ít nhất có 3 tháng liên tục (hay tái phát nhiều lần) bị đau hoặc khó chịu ở bụng, không tìm thấy dấu hiệu thực tổn hay các rối loạn về chức năng sinh hóa.
- Có 2-3 đặc điểm sau: Giảm đau sau đại tiện, đại tiện thất thường, đi lỏng ngày 3-4 lần, táo bón (3-4 lần trong tuần), phân lỏng, ướt, nát hoặc cục cứng; đại tiện có cảm giác đi chưa hết phân còn muốn đi thêm, phân nhầy, đầy hơi trướng bụng.
Việc điều trị hội chứng ruột dễ kích thích hiện nay chỉ là điều trị triệu chứng. Bệnh nhân có thể dùng thuốc để chữa chứng đau (như spasfon, mebeverine), chữa đi lỏng (như imodium, loperamide, berberin, smecta) hoặc táo bón (psyllium, lactulose); chữa rối loạn vận động tiêu hóa và rối loạn thần kinh tâm thần. Việc dùng loại thuốc gì, liều lượng ra sao nhất thiết phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
http://www.viet.no/forum/viewtopic.php?t=1107