Xương rồng trồng để ăn và chăn nuôi
tuanquang cập nhật ngày: 24/10/2008
Học tập kinh nghiệm của nhiều nước, chúng ta có thể trồng thêm một số loài xương rồng chịu hạn nhưng có giá trị dinh dưỡng cao, và có thể dùng làm thức ăn cho người và cho gia súc.
Việt Nam có diện tích tự nhiên khoảng 33 triệu ha, trong đó có 21 triệu ha đất đang sử dụng trong canh tác nông lâm nghiệp. Rất tiếc là còn có tới trên 9,34 triệu ha đất hoang hoá, trong đó có khoảng 7,85 triệu ha đang chịu tác động mạnh của xu thế sa mạc hoá.
Vùng đất sa mạc hoá phân bố khắp cả nước, chủ yếu ở là các vùng đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu, đất cát ven biển. Việc phủ xanh để chống lại xu thế sa mạc hoá các vùng đất này là việc làm có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Nhưng đã là đất khô hạn thì biết trồng cây gì để vừa phủ xanh vừa có thể dùng được cho người và gia súc?
Chúng ta đã rất thành công trong việc trồng một loài xuơng rồng vừa để lấy quả ăn vừa để xuất khẩu, đó là cây Thanh Long với tên khoa học là Hylocereus undatus.
Xương rồng thuộc họ Cactaceae, họ này gồm 130 chi và có tới 1.500 loài khác nhau. Theo kinh nghiệm cổ truyền ở Mexico thì cónhiều loài chịu hạn, phát triển rất khỏe và có thể dùng làm thực phẩm cho người và làm thức ăn cho gia súc. Các loài này có tên địa phương là Nopal. Chúng thuộc về hai chi Opuntia và Nopalea (theo Helia Bravo,1978).
Tại Mexico, Nopal đã được trồng trên diện tích rộng tới 10.000 ha. Chi Opuntia tại nước này có 104 loài, còn chi Nopalea có 10 loài. Trong số này có 15 loài được trồng để làm thức ăn nuôi bò, ngựa, dê, cừu… 5 loài lấy quả và 3 loài dùng như rau xanh. Các loài dùng làm thức ăn gia súc phổ biến là các loài:
Opuntia strepcantha, O. leucotricha, O.robusta, Ocantabrigiensis, O.rastreva, Omicrodasis, O.lindheimeri, Oengelmannis, O.azurea, O.stenopetala, O.imbricata, O.fulgida, O. macrocentra, Ochrysacantha, O.lucens, Oduranguaensis, O.tenuispina.
Hai loài dùng làm thực phẩm là Nopalea cochenillifera và Opuntia ficusindica.
Loài Nopalea cochenillitera, theo GS Phạm Hoàng Hộ, đã từng mọc hoang dại hoặc được trồng làm hàng rào ở vùng duyên hải từ Đà Nẵng đến Phan Thiết. Ta gọi là cây Tay Cùi, người Anh gọi là Cochineal Plant.
Cây này có thân bụi, mọc cao 1-4,5m; thân có đốt dẹp, đốt ke tiếp thường thẳng góc với nhau, hình vợt bóng nhưng không dẹp hẳn, dài 20-30cm, lúc non có lá nhỏ nhọn, cao 5mm. Hoa đỏ hay vàng, nhiều tiểu nhụy.
Quả to 4-5cm, nạc màu đỏ. Theo tài liệu nước ngoài thì cây thường cao 4-5m, đường kính thân 15-20cm, có thể dùng lá và hạt để ăn. Lá hay thân nhánh có kích thước 15-35x5-15cm.
Trên có các núm cao 2-3cm, đường kính 2-5mm. Hoa dài 4-7cm, thường nở vào mùa đông. Quả hình êlip kích thước 25-40x20-25mm. Hạt có kích thước 3-5 x 1,5-3mm. Giàu vitamin C. Thường trồng vào tháng 6 hàng năm.
Chịu hạn, chịu đất chua nhưng cần nhiều ánh sáng. Hiện mọc nhiều ở Mexico, Cuba, Panama, Puerto Rico… Loài này còn có tên khác là Cactus cochenillitera hay Opuntia cochenillifera.
Giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu của loại xương rồng này rất cao.Tính theo trọng lượng tươi thì phần ăn được (lá hay pad) có chứa 92% nước; 4 - 6% carbohydrat, 1% protein; 0,2% chất béo; 1% chất khoáng, 12,7mg% vitamin C; 12,9 µg ß-caroten (nếu tính theo trọng lượng khô thì hàm lượng chất dinh dưỡng là rất cao). Ngoài ra loại xương rồng này còn là nguồn dược liệu quý giá.
Các nghiên cứu trên thế giới cho biết chúng có tác dụng chống viêm, chữa thấp khớp, tiêu chảy, giúp lợi tiểu, giảm đau (đau răng, đau tai), ức chế virus nhóm Herpes simplex type 1, ức chế vi khuẩn và nấm. Tại Mexico sản lượng là 600.000tấn/năm. Tại tiểu bang California và Texas (Hoa Kỳ) sản lượng là 5.000 tấn/năm.
Loài xương rồng Opuntia ficus-indica (còn gọi là lndian Fig Opuntia, Prickly pears) vốn chưa có ở Việt Nam nhưng nghe nói đã được du nhập và trồng thử có hiệu quả.
Loài O.ficus-indica có 3 biến chủng (variety). Đó là O.ficus-indica var. Lynwood, O.ficus-indica var. Robusta và O.ficus-indica var. Santa Maria. Giá trị dinh dưỡng khá cao: nước: 85-90%; protein: 6%; P: 0,08-0,18%; Ca: 4,2%; K: 2,3%; Mn: 1,4%; Năng lượng: 2,6Mcal/kg; carotenoid: 29µg %; vitamin C: 13mg%, còn có khá nhiều vitamin K và vitamin B2.Ca không hấp thu được vì ở dạng Ca oxalate…
Loài xương rồng này đã được dùng để ăn từ cách đây trên 9.000 năm (!). Quả của chúng có tên là Tunas. Ở Ethiopia, Erithia được gọi là beles. Hoa có thể có các màu khác nhau: trắng, vàng, đỏ, nở vào mùa hè. Quả chín vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10.
Sau khi bóc vỏ ngoài để vào tủ lạnh vài giờ, ăn rất ngon. Có thể sản xuất thành nước ép quả hoặc nấu rượu. Đầu tiên trên thân mọc một chồi nhỏ, chồi lớn dần lên và hình thành “lá” non. Lá non phát triển thành lá trưởng thành, sau đó mọc ra những gai nhỏ. Lá và cành non được gọi là nopales và ăn như một loại rau. Có thể ăn tươi, đóng hộp hay sấy khô. Món ăn nổi tiếng của Mexico nấu với trứng có tên là Huevos con nopales.
Cây này được trồng nhiều ở Mexico, Algeria, Chile, Brazil, Bắc Phi. Về sau đã được di thực vào Pháp, Ý (gọi là Fichi d’lndia), vào Bulgaria, Bồ Đào Nha (gọi là Tabaibo), vào Tây Ban Nha (gọi là Chumbo), vào Hy Lạp (gọi là Corfu), vào Cyprus (gọi là Papoutsosyka)…
Ngoài giá trị thực phẩm, các loại Nopales còn được dùng làm dược liệu. Chúng có chứa các hoạt chất như 3-methoxytiramine, candicine, hordenine, N-methyl tyramine, tyramine, betanin, quinic acid, quercitrin, piscidic acid, pendulatin, palmitoyldinolein, neobetanin, luteolin, kaempferol, isobetanin, indicaxanthin, linoleoyldiolein…
Có thể dùng để điều trị bệnh tiểu đường type ll, viêm dạ dày, giải độc rượu, chống nôn, chống khô miệng, giúp ăn ngon miệng… Có một loại côn trùng có tên khoa học là Dactylopius coccus được nuôi dưỡng trong các tổ nhân tạo gắn trên lá các cây xuơng rồng này.
Người ta lợi dụng carminicacid do loài côn trùng này sinh ra để làm thuốc nhuộm thực phẩm và mỹ phẩm. Sản phẩm này gọi là Cochinealdyes, hiện đang được sản xuất lớn ở Peru, Chile và đảo Canary.
http://www.tretoday.net/news/news/6_Khoa_Hoc/262617_Xuong_rong_trong_de_an_va_chan_nuoi/?