Bệnh trĩ, một căn bệnh hết sức phiền toái
2008.03.08
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Chương trình hôm nay, mời quý vị cùng tìm hiểu một căn bệnh tương đối tế nhị mà mặc dù nó rất dễ xảy ra, rất khó chịu, và cũng rất đau đớn, nhưng nhiều ngừơi vẫn ngại nói về nó. Cũng vì ngại mà đa số bệnh nhân khi mắc phải bệnh này rồi vẫn âm thầm chịu đựng cho đến lúc quá đau, quá nặng, mới tìm đến bác sĩ chữa trị. Đó là bệnh trĩ, một căn bệnh hết sức phiền toái.
* Bấm vào đây để nghe tiết mục này
* Tải xuống để nghe
Bệnh trĩ. Photo courtesy wikipedia
Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh này? Các dấu hiệu nhận biết bệnh ra sao? Phương pháp trị liệu như thế nào? Và phòng ngừa bệnh trĩ bằng cách nào? Bác sĩ Bùi Xuân Dương, chuyên khoa tiêu hoá, hiện đang hành nghề tại Miền Nam California, sẽ giải đáp những thắc mắc của quý vị trong chương trình hôm nay:
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Bệnh trĩ thực ra đây không phải là cái bệnh mà nguyên nhân là do mạch máu trong hậu môn bị sưng vù lên, người ta gọi là trĩ.
Thật ra cái nguyên nhân nào thì bất cứ một lý do nào mà khi cái áp suất trong mạch máu tăng cao thì chúng ta bị trĩ. Nói một cách dễ hiểu là khi mình bị bón nặng, mình rặn nhiều quá thì mạch máu bị sưng lên, lúc đó chúng ta bị trĩ. Hay là những phụ nữ trong lúc sanh đẻ họ rặn nhiều thì lúc đó mạch máu ở hậu môn bị sưng vù lên, lúc đó bị trĩ.
Nguyên nhân
Trà Mi : Những đối tượng, những lứa tuổi nào, hoặc những người trong những nghê nghiệp nào có nguy cơ măc bệnh này cao nhứt ạ?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Có vấn đề là nếu mình ngồi quá lâu thì máu dồn xuống hậu môn nhiều thì gây ra bệnh trĩ. Thật ra tất cả chúng ta, già trẻ lớn bé thì ai cũng có thể bị cả. Chẳng hạn những tài xế vận tải ngồi lâu, lái xe lâu, họ dễ bị. Hoặc những thanh niên thiếu nữ trẻ tuổi tập cử tạ, hoặc dùng bất cứ một thứ gì mà họ phải gồng bụng lên nhiều quá, mỗi lần cử tạ thì họ phải gồng bụng để đẩy tạ lên, trong lúc làm như vậy thì áp suất trong hậu môn tăng lên cao và do đó họ có thể dễ bị trĩ.
Nói một cách dễ hiểu thì trĩ ai cũng có thể bị cả, nhưng có điều là người Việt Nam chúng ta cứ tưởng lầm đây là căn bệnh di truyền, nghĩa là bố mẹ bị thì con cái cũng sẽ bị. Điều này thật ra không đúng. Chính xác là vì hoàn cảnh mà chúng ta tạo ra căn bệnh.
Có vấn đề là nếu mình ngồi quá lâu thì máu dồn xuống hậu môn nhiều thì gây ra bệnh trĩ. Thật ra tất cả chúng ta, già trẻ lớn bé thì ai cũng có thể bị cả. Chẳng hạn những tài xế vận tải ngồi lâu, lái xe lâu, họ dễ bị. Hoặc những thanh niên thiếu nữ trẻ tuổi tập cử tạ, hoặc dùng bất cứ một thứ gì mà họ phải gồng bụng lên nhiều quá, mỗi lần cử tạ thì họ phải gồng bụng để đẩy tạ lên, trong lúc làm như vậy thì áp suất trong hậu môn tăng lên cao và do đó họ có thể dễ bị trĩ.
Bác sĩ Bùi Xuân Dương
Trà Mi : Hoàn cảnh đó là do ăn uống và công việc làm đòi hỏi phải ngồi nhiều, phải không ạ?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Đó là vấn đề ăn uống, chị nói rất là đúng. Taị vì chúng ta ăn quá ít rau chẳng hạn, để bị bón nặng, rặn nhiều thì dễ bị trĩ. Mặt khác là khi người bị đi tiêu chảy nhiều quá, đi hàng chục lần, và trong lúc đi cầu nhiều như vậy thì hậu môn có thể bị sưng vù lên mà gây ra bệnh trĩ.
Trà Mi : Dạ. Cũng xin đựoc hỏi thăm Bác Sĩ là những triệu chứng giúp cho nhận biết bệnh trĩ nó biểu hiện như thế nào?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Cái mà người Việt Nam chúng ta thông thường hay hiểu biết là câu "Ai đau khổ vì bệnh trĩ" thì thật ra trĩ có 3 loại trĩ khác nhau. Trĩ phát xuất từ bên trong gọi là trĩ nội. Trĩ phát xuất từ mạch máu nằm bên ngoài là trĩ ngoại. Trĩ phát xuất từ nửa mạc máu bên trong và nửa mạch máu bên ngoài gọi là trĩ nửa nội nửa ngoại.
Trĩ nội xuất phát từ bên trong, mạch máu bên trong không có dây thần kinh, da non bên trong không có dây thần kinh, dễ bị chảy máu, thì người bị trĩ nội dễ làm chảy máu, trong khi trĩ ngoại nằm bên ngoài, da dày hơn, ít bị chảy máu nhưng khi mà nó sưng vù lên thì đau khủng khiếp lắm, đau ghê gớm lắm, ngồi cũng đau, đi cũng đau, đúng cũng đau. Nếu trĩ vừa nửa nội nửa ngoại thì nó vừa đau vừa bị chảy máu.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Trà Mi : Giữa hai loại bệnh trĩ nội và trĩ ngoại, và loại vừa trĩ nội vừa trĩ ngoại, thì loại nào nguy hiểm nhất, thưa Bác Sĩ?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Thật ra ít ai chết vì trĩ, thứ nhất là đau đớn nhiều, thứ hai là chảy máu. Chảy máu của trĩ nội, nhiều khi chỉ vài giọt máu nhỏ xuống nước làm đỏ bồn cầu làm cho bệnh nhân hốt hoảng. Trĩ nội như vậy là làm cho bệnh nhân sợ. Còn trĩ ngoại làm cho bệnh nhân đau, thì cái đau đớn đó nhiều khi họ lại cột nhứng cái đó lại, thì cột lại nó càng đau hơn nữa. Có một số bệnh nhân thoa những thuốc cỏ cây thì nó bị nhiễm trùng. Họ có thể chết vì nhiễm trùng nhiều hơn là chết vì bệnh trĩ.
Trà Mi : Và bệnh trĩ có ảnh hưỏng như thế nào đối với sức khoẻ của bệnh nhân trước mắt và về lâu về dài, thưa Bác Sĩ?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Về lâu về dài thì vấn đề nó thuộc về tâm lý. Là khi mà cái đau nó làm cho đau khi mình bị bón gây ra bệnh trĩ, rồi khi mình đi cầu nó lại đau nữa, thành ra họ cứ sợ. Mỗi lần nghĩ đến vấn đề đi đại tiên là họ sợ. Thành ra vấn đề đó làm cho ảnh hưởng tới vấn đề về tâm lý. Tại vì sợ đi đại tiện nên họ không dám ăn, sợ không dám ăn nên rơi vào cái vòng lẩn quẩn.
Thành ra đó là vấn đề tâm lý về lâu về dài, còn vấn đề cấp tốc thì thông thường trĩ không cần chữa nó tự nhiên cũng hết. Mình ngâm nước nóng, bỏ tí muối, tí baking soda (có tính sát trùng) thì mạch máu có thể teo lại. Còn xoa thuốc là chỉ để cho đỡ đau thôi. Trĩ thường thường không chữa trị gì cả thì tự nhiên nó hết và nó không gây triệu chứng gì nguy hiểm, trừ khi mình đến thầy thuốc họ bôi những thuốc cỏ cây này kia có thể khiến cho hậu môn bị teo lại thì cái đó nguy hiểm hơn.
Vấn đề trĩ là do mạch máu ở chung quanh hậu môn bị sưng vù lên, mà dưới hậu môn không phải chỉ có một mạch máu mà có nhiều mạch máu đan lại với nhau, vì vậy khi chỉ cần một mạch nhỏ thôi mà sưng vù lên thì chúng ta bị trĩ. Thành ra đầu tiên mình nên chữa bằng thuốc men trước. Tốt nhất là mình làm sao ăn những thức ăn để cho phân đi ra thật đều.
Bác sĩ Bùi Xuân Dương
Trà Mi : Dạ. Nhiều người lo ngại là nếu bệnh trĩ để lâu ngày mà không điều trị thì có thể dẫn tới những biến chứng tai hại về sau. Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Vấn đề như thế này, thưa chị. Nói một cách dễ hiểu là trĩ không nguy hiểm lắm, nhưng mà trĩ nếu bị chảy máu và đau, nhất là với những người trên 50 tuổi, thì chúng tôi khuyên nên đi soi ruột già. Vấn đề rất là quan trọng, tại vì đi soi để coi vấn đề chảy máu không phải là ung thư từ bên trong ruột cùng, ruột già, tại vì cái ruột cùng (ruột thừa, ruột dư) cũng có thể làm chảy máu bên trong đó, đó một nguyên nhân rất là nguy hiểm, đó là ung thư ruột già, ung thư ruột cùng.
Vì vậy khi mà lớn tuổi, 50 tuổi trở lên, đau hay không đau, cũng nên đi soi ruột già để coi thứ bên trong ruột già có bị ung thư hay không. Nhiều cái trĩ làm cho bệnh nhân đau, nhờ cái đau đớn đó họ mới đi khám ở phòng mạch của bác sĩ. Vì vậy người ta mới khuyên nên đi soi ruột già. Bệnh trĩ cũng có cái lợi là bắt bệnh nhân phải đi soi ruột già.
Phương pháp điều trị và phòng tránh
Trà Mi : Nói tới các phương pháp điều trị bệnh trĩ thì nhiều người băn khoăn là người thì điều trị bằng thuốc uống, có người phải đi phẫu thuật, thì trường hợp nào phải điều trị bằng thuốc và trường hợp nào phải phẫu thuật, thưa Bác Sĩ?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Vấn đề trĩ là do mạch máu ở chung quanh hậu môn bị sưng vù lên, mà dưới hậu môn không phải chỉ có một mạch máu mà có nhiều mạch máu đan lại với nhau, vì vậy khi chỉ cần một mạch nhỏ thôi mà sưng vù lên thì chúng ta bị trĩ. Thành ra đầu tiên mình nên chữa bằng thuốc men trước. Tốt nhất là mình làm sao ăn những thức ăn để cho phân đi ra thật đều.
Thứ hai là tránh nhiều loại gia vị cay như tiêu, ớt. Những loại gia vị cay làm xót đầu lưỡi, làm xót bao tử thì khi mà đi qua ruột cùng có thể làm rách hậu môn, sưng hậu môn lên. Cách chữa trị là ngâm hậu môn trong nước ấm làm cho giảm nơi bị sưng. Sau khi ngâm xong thì có thể nhét những thuốc hình viên đạn (suppositoire) hoặc là bôi thuốc trụ sinh vào.
Nếu những trường hợp đó mà không hết, càng ngày nó càng lớn hơn, và có những loại trĩ thông thường khi đi cầu xong mà nó thụt vào bên trong lại thì nhiều khi cần phải mổ. Nhưng có loại trĩ lớn đến nổi lấy tay ấn vào trong mà nó cũng không vào thì những trường hợp đó cần phải mổ. Những bệnh nhân đó khi mổ thì chỉ cần lấy cái trĩ đó thôi, chứ còn nếu mình không điều trị nguyên nhân như táo bón thì mai mốt cái trĩ khác sẽ mọc lại.
Trà Mi : Dạ vâng. Như vậy một khi đã cắt trĩ rồi thì không thể nào yên tâm là nó sẽ không tái phát (Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Đúng rồi) mà phải lưu ý đến việc phòng bệnh. Nhân đây cũng xin hỏi Bác Sĩ là làm thế nào để có thể phòng tránh được bệnh trĩ?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Cái quan trọng nhất là mình đừng để bón. Quan trọng thứ hai là khi cơ thể mình báo cho mình biết là cần phải đi cầu thì mình phải đi ngay vì nếu tình tràng này tái diễn lâu ngày thì mình sẽ bị bón. Khi bị bón thì thay vì cơ thể mình tự nhiên đưa phân ra ngoài thì mình phải rặn nó mới đưa phân ra được. Mỗi lần rặn thì hậu môn bị sưng lên. Vì vậy tốt nhất là làm thế nào để đi cầu được đều đặn. Nếu có tập thể dục thì nên tránh việc cử tạ quá nhiều mà nên tập chạy bộ hay tập đi bộ, tập bơi thì tốt hơn.
Cái quan trọng nhất là mình đừng để bón. Quan trọng thứ hai là khi cơ thể mình báo cho mình biết là cần phải đi cầu thì mình phải đi ngay vì nếu tình tràng này tái diễn lâu ngày thì mình sẽ bị bón. Khi bị bón thì thay vì cơ thể mình tự nhiên đưa phân ra ngoài thì mình phải rặn nó mới đưa phân ra được. Mỗi lần rặn thì hậu môn bị sưng lên. Vì vậy tốt nhất là làm thế nào để đi cầu được đều đặn. Nếu có tập thể dục thì nên tránh việc cử tạ quá nhiều mà nên tập chạy bộ hay tập đi bộ, tập bơi thì tốt hơn.
Bác sĩ Bùi Xuân Dương
Trà Mi : Ngoài ra có những món thức ăn, những loại thức ăn nào mà Bác Sĩ nghĩ rằng đặc biệt có thể kích thích tiêu hoá dễ dàng, có thể giúp cho những người thường xuyên bị táo bón giải quyết đựoc vấn đề của mình nhẹ nhàng hơn không ạ?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Thường chúng tôi khuyên là tốt nhất là rau dền, rau muống, rau đay, cải cúc ... mấy thứ đó rất là nhuận trường.
Trà Mi : Và liều lượng như thế nào một ngày mới gọi là vừa đủ, thưa Bác Sĩ?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Vâng ạ. Người ta nói một ngày mình phải ăn 30 gr chất xơ. Mà tưởng tượng một quả táo chỉ có 3 gr, như vậy phải ăn gấp 10 lần, mà một ngày ăn 10 quả táo thì ai ăn cho được.
Thành ra vì vậy chúng tôi vẫn thường khuyên là nếu không ăn được nhiều như vậy thì ít nhất cũng nua các loại thuốc bột mình pha, mình khuấy lên, mình uống. Hoặc những người nào không sợ mập, không bị vấn đề mập cản trở vấn đề ăn uống thì có những loại trái cây khô thì mình ăn giúp sự đi cầu dễ dàng hơn.
Trà Mi : Vâng. Ngoài ra quả trái cây thì chắc cũng cần phải lưu ý đến nước phải không ạ?
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Nước, vâng ạ. Thật ra người ta cũng khuyên là uống ít nhất từ một tới hai lít nước. Cái này có thể nó làm cho da dẻ mát mẻ hơn và cái thận đựoc tốt hơn, trong đó có vấn đề đi cầu cũng dễ dãi hơn.
Trà Mi : Dạ vâng. Chúng tôi chân thành cảm ơn thời gian Bác sĩ Bùi Xuân Dương đã dành cho cuộc trao đổi này.
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Nhân đây chúng tôi cung xin thành thật cảm ơn Đài rất là nhiều đã có nhã ý cho phép chúng tôi trình bày với quý thính giả của quý Đài, và xin cảm ơn chị ạ.
Chương trình "Sức Khoẻ và Đời Sống" tuần này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong một đề tài mới vào tuần sau. Trà Mi thân ái kính chào.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/08/HealthAndLifeHaemorrhoids_TraMi/