Thần y Đại Việt: Y Đạo hùng trấn một phương
Lưu Thủy
đăng ngày 09/02/2008
Trong lịch sử Đại Việt, sự xuất hiện liên tiếp của các thần y, danh y như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Chu Văn An, Hoàng Đôn Hòa, Nguyễn Trực, Tư Trung, đã góp phần khẳng định mạnh mẽ một vận mệnh tồn tại lớn lao của dân tộc Đại Việt… Y Đức của họ không chỉ bao trùm bờ cõi Đại Việt mà còn khiến cho người phương bắc phải khâm phục thực sự… Thậm chí, khi một hoàng đế phương bắc lâm bệnh không khỏi, các danh y phương bắc đều bó tay, họ phải lặn lội sang Đại Việt, nhờ đến y đức của thần y Hoàng Đôn Hòa …
>> Giấc mơ “Silicon” của những người khuyết tật
>> Lưu Kiến Sinh: Trái tim Việt có những điều kỳ lạ
>> Tình yêu liệt giường và phép mầu đức hạnh
>> Vươn tay khỏi "quan tài" viết 13 cuốn giáo trình đặc biệt!
Khi nhắc đến Y học dân tộc Việt Nam, chúng ta không thể không kể tên đại danh y Tuệ Tĩnh – người đặt nền móng cho lý luận về y học dân tộc. Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, pháp hiệu (theo tên gọi của nhà chùa) là Tuệ Tĩnh. Ông sinh ra ở làng Nghĩa Phú, thuộc tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương - nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Vì sinh ở làng Nghĩa Phú, phủ Thượng Hồng, nên Tuệ Tĩnh đặt biệt hiệu là Hồng Nghĩa. Vì thế mà sau này ông có tác phẩm "Hồng Nghĩa giác tư y thư", và cuốn "Nam dược thần hiệu", là hai tác phẩm quý giá còn để lại cho chúng ta đến hôm nay.
Y miếu Thăng Long - nơi thờ danh y Tuệ Tĩnh.
Ngay từ nhỏ, Tuệ Tĩnh đã mồ côi cha mẹ và đi tu ở chùa. Đến năm 22 tuổi, ông đi thi hương và đỗ nhất bảng, nhưng không ra làm quan mà vẫn ở chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Do từ nhỏ đã được học nghề thuốc nơi cửa phật, thời gian này, ông tiếp tục việc chữa bệnh giúp dân ở ngôi chùa nơi ông tu hành và phát triển thêm một số cơ sở chữa bệnh ở các chùa lân cận. Bên cạnh đó, ông còn dành thời gian huấn luyện y học cho các tǎng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc. Năm 45 tuổi, Tuệ Tĩnh đi thi đình và đỗ Hoàng giáp. Năm 55 tuổi, ông bị bắt đi sứ sang Trung Quốc, bị Minh triều giữ lại làm việc ở Viện thái y và mất tại Triết Giang – Trung Quốc.
Trong bộ “Nam dược thần hiệu”, Tuệ Tĩnh đã giới thiệu các vị thuốc Nam và nêu rõ tác dụng điều trị của các vị thuốc đó. Bộ sách gồm 11 quyển. Quyển đầu giới thiệu tính của 499 vị thuốc Nam, từ nêu tên gọi, khí vị đến chủ trị, xếp làm 22 loại dược vật từ cây, cỏ, động vật, khoáng chất đến dược phẩm nguồn gốc từ con người rất công phu, tỉ mỉ. Mười quyển sau, mỗi quyển nói về một khoa điều trị từ các bệnh nội thương đến phụ khoa, nhi khoa, ngoại khoa.
Bộ sách “Hồng Nghĩa giác tư y thư” gồm hai quyển, nội dung chủ yếu gồm có các bài phú về thuốc Nam, về dược tính, các mục về y lý và chủ trị các bài thuốc... Thập tam phương gia giảm, 37 phương chữa thương hàn... Hai bộ sách quý này đã có ảnh hưởng rất sâu rộng trong nền y học cổ truyền của Việt Nam.
Khẩu hiệu và chủ trương mà Tuệ Tĩnh nêu ra: Thuốc Nam chữa người Nam (Nam dược trị Nam nhân) vừa mang tính dân tộc đại chúng, vừa mang tính khoa học, bởi dùng các dược vật ở miền địa lý khí hậu nào chữa cho người ở miền đó là thích hợp. Do vậy Tuệ Tĩnh Thiền sư được tôn thờ là “Vị thánh thuốc Nam”. Cả cuộc đời hiến dâng cho việc nghiên cứu chữa bệnh cứu người, những công đầu xây dựng nền y học dân tộc Việt Nam của ông được nhân dân và ngành y tế nước ta đánh giá rất cao.
Có thể nói Tuệ Tĩnh là một danh y Việt Nam đã mở đường cho sự nghiên cứu thuốc nam, xây dựng nền móng cho Y học dân tộc của nước nhà. Ông đã tổng hợp và để lại những bài thuốc kinh nghiệm quý báu cho một số khá nhiều bệnh tật. Ðó là một tài liệu có giá trị lớn cho sự thừa kế và phát huy vốn cũ y dược của nhân dân ta và là một cống hiến rất lớn của ông. Và cũng chính do gây dựng được phong trào trồng cây thuốc trong gia đình để tự chữa bệnh.
Trong bầu trời y học Việt Nam, bên cạnh Đại danh y Tuệ Tĩnh, còn có một ngôi sao sáng mà mỗi khi nhắc đến tên tuổi của ông, chúng ta không thể nào quên bộ sách thuốc quí giá có một không hai trong kho tàng y học cổ truyền của dân tộc. Đó là đại danh y Hải Thượng Lãn Ông với bộ sách “Y tông tâm lĩnh”.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra trong một gia đình mấy đời khoa bảng có tiếng học giỏi, đỗ đạt cao và làm quan to trong triều vua Lê - chúa Trịnh.
Lê Hữu Trác bị bệnh từ lúc ở trong quân đội, chạy chữa tới hai năm mà không khỏi. Trong thời gian dưỡng bệnh ở quê mẹ Hà Tĩnh ông bắt đầu tìm hiểu về nghề thuốc. Vốn là người thông minh học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, nên ông quyết chí theo học nghề thuốc. Ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu "Hải Thượng Lãn ông". Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. "Lãn ông" nghĩa là "ông già lười", ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó. Mặc dầu lấy biệt hiệu Lãn ông, nhưng thực tế chúng ta thấy “lười” ở đây là lười với công danh, phú quí, nhưng lại rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.
Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh là công trình y học suất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.
Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác là một danh y lớn, là niềm tự hào của dân tộc ta. Tuy sống cách chúng ta gần 3 thế kỷ nhưng tư tưởng và phương pháp tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của ông vẫn còn là một bài học có tính thời sự nóng hổi và vô cùng quí báu để chúng ta học tập và noi theo.
Điểm nổi bật nhất trong sự nghiệp trị bệnh cứu người của hai vị danh y trên chính là tinh thần khoa học nghiêm túc, y đức sáng ngời và tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Tuệ Tĩnh lớn lên ở chùa – một môi trường rất thuận lợi để tu tâm dưỡng tính và nuôi dưỡng mầm thiện. Tuy nhiên, với điều kiện nghèo nàn lúc bấy giờ, ông không có điều kiện được học hành bài bản. Tất cả những tri thức về y học dân tộc của ông đúc kết lại trong những tác phẩm của mình đều là do tự tìm hiểu từ kinh nghiệm dân gian cộng với tinh thần nghiên cứu khoa học chân chính. Hải Thượng Lãn ông học được nghề thuốc từ một thầy thuốc ở vùng Hương Sơn – Hà Tĩnh. Với địa hình và hoàn cảnh lúc bấy giờ, ông cũng không hề có điều kiện tiếp thu tri thức y học từ bên ngoài, không có phương tiện thực nghiệm nhưng bằng tấm lòng nhân ái và tình yêu nghề, ông đã gạt bỏ mọi lợi danh để chuyên tâm nghiên cứu nghề thuốc.
Có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng, y đức sáng ngời chính là một điều đáng giá nhất làm nên tên tuổi của hai vị danh y trên. Cuộc đời trị bệnh cứu người của hai ông gắn bó với những người dân nghèo. Với Tuệ Tĩnh thiền sư, đó là cuộc sống thanh bạch bên những người dân quê nghèo quanh ngôi chùa ông tu hành ở Hải Dương còn với Hải Thượng Lãn ông, đó là những người dân ở mảnh đất Hương Sơn – Hà Tĩnh. Hai ông chính là những người thầy thuốc của nhân dân nghèo, gạt bỏ tất cả lợi danh để chữa bệnh cho những người dân ấy. Trong khi dạy dỗ những học trò của mình, Lãn ông chú trọng xây dựng y đức người thầy thuốc, ông thường nói "Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công".
Sinh thời, nếu như Tuệ Tĩnh là người thầy thuốc của nhân dân thì Lê Hữu Trác lại có nhiều mối quan hệ với cung đình và giới quý tộc. Tuy nhiên, không vì thế mà ông quay lưng lại với những bệnh nhân nghèo. “Ông già lười” coi bệnh nhân của mình là trên hết. Với ông, danh lợi phải xếp sau tính mạng của người bệnh. Ông cũng chính là người nêu ra 8 tội người thầy thuốc nên tránh đó là: Tội lười, tội bủn xỉn, tội tham lam, tội lừa dối, tội bất nhân, tội hẹp hòi, tội thất đức và tội dốt nát. Ông cũng là người đề ra 9 điều dạy trong "Y huấn cách ngôn" để rǎn dạy người thầy thuốc mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Cho đến tận bây giờ, y đức và tài năng của hai ông vẫn là tấm gương sáng ngời cho những người thầy thuốc nói riêng và hậu thế nói chung phải noi theo.
Cuộc đời theo đuổi nghề thuốc của hai vị danh y này cũng là một sự tôn vinh đối với nền y học của dân tộc Việt Nam. Tuệ Tĩnh chính là người đưa ra khẩu hiệu: “Nam dược trị nam nhân” (thuốc Nam trị bệnh cho người Nam) và từ đó đặt nền móng cho y học cổ truyền Việt Nam. Trong thưc tiễn, ông là người tìm ra nhiều vị thuốc quý từ các loại cây cỏ của phương Nam để trị bệnh cứu người. Song song với nó, ông là người chủ trương gây trồng các vườn thuốc Nam trong nhân dân. Chính nhờ công của ông, thời gian sau đó, dân Đại Việt đã thoát khỏi một trận dịch tả kinh khủng nhờ vào những câu thuốc Nam được trồng rộng rãi trong dân chúng (thời đó, dịch tả là một căn bệnh kinh hoàng đã cướp đi tính mạng của hàng triệu người dân trên toàn thế giới). Quan trọng nhất, ông là người đầu tiên xây dựng hệ thống lý luận về y thuật trong đó bao gồm cách chữa trị các căn bệnh và các cây thuốc quý trong hệ thực vật của phương Nam. Hai cuốn “Nam dược thần hiệu” và “Hồng Nghĩa giác tu y thư” của ông vẫn còn nguyên giá trị y học và tôn vinh tinh thần dân tộc Việt cho đến tận ngày hôm nay.
Lê Hữu Trác đã kế thừa những thành tựu của Tuệ Tĩnh một cách xuất sắc. Ông đã sưu tầm phát hiện thêm 300 vị thuốc nam (Lĩnh Nam bản thảo) đồng thời tổng hợp thêm 2854 phương thuốc kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân áp dụng "Hành giản trân nhu và Bách gia trân tàng". Hải Thượng Lãn ông cũng đã tiếp thu có phê phán, chọn lọc những tinh hoa y học nước ngoài rồi vận dụng những kiến thức cơ bản ấy vào điều kiện cụ thể về khí hậu, về con người và cả về cách suy nghĩ của con người Việt Nam, nhất là những lí luận cơ bản của nền y học Trung Quốc cũng như những kinh nghiệm chữa bệnh của những thầy thuốc trước, của nhân dân lao động, kể cả một số ít giáo sĩ phương Tây khi ấy mới sang Việt Nam ta.
Cuộc đời của hai vị danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác chính là một minh chứng thể hiện sự tôn vinh tài năng, y đức của người thầy thuốc Việt Nam và lớn hơn cả đó là sự tôn vinh đối với một nền y học dân tộc của người Việt Nam. Những giá trị lớn lao mà hai ông để lại vẫn còn nguyên vẹn mà thế hệ hôm nay vẫn cần phải học tập và phát huy mạnh hơn nữa.
Lưu Thủy (Vietimes)
Source : http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/chuyende/4477/index.viet
Link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=2048