Saturday, January 26, 2008
Nuôi trồng rong nho biển tại Việt Nam
Nuôi trồng rong nho biển tại Việt Nam
2008.01.24
Gia Minh, phóng viên đài RFA
Đa dạng hoá vật nuôi, cây trồng, nuôi là yêu cầu lớn trong nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay tại Viện Hải Dương Học Nha Trang đang triển khai nuôi trồng thử nghiệm loại rong nho biển để có thể phổ biến cho người dân trong nước sản xuất đại trà phục vụ cuộc sống. Đó là đề tài tạp chí Sáng Kiến & Đời Sống kỳ này do Gia Minh ghi nhận.
* Bấm vào đây để nghe tiết mục này
* Tải xuống để nghe
Rong nho tươi có thể bán ở nước ngoài với giá 60-70 USD/kg. Hình của Vietnam Net
Trong chuyên mục Sáng Kiến & Đời Sống kỳ này, Gia Minh hỏi chuyện người chủ trì công trình đó là ông Nguyễn Hữu Đại, Trưởng Phòng Thực Vật Biển thuộc Viện Hải Dương Học Nha Trang. Trước tiên ông cho biết : "Cái rong này là một cái rong mà tôi nhập từ Okinawa của Nhật Bản ạ, rồi di trồng về Việt Nam".
Gia Minh : Công dụng của loại rong nho biển này ra sao ạ?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Tức là khi tôi nhờ phân tích thành phần hoá học của nó thì nó có lượng vitamin A, vitamin C rất là cao. Thêm vào đấy thì hàm lượng của một số khoáng vi lượng cũng rất là cao. Theo một số tài liệu thì nó có thể chữa được bệnh cao huyết áp và bệnh bướu cổ, rồi những bệnh về thấp khớp. Nói chung người dân rất thích ăn.
Gia Minh : Việc đưa về trồng thử nghiệm thì bắt đầu từ khi nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Từ năm 2004 chúng tôi tiến hành những thí nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Gia Minh : Và qua việc tiến hành thí nghiệm như vậy thì hẳn nhiên nó phù hợp với điều kiện Việt Nam thì mới áp dụng, vậy nó phù hợp ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Hiện nay chúng tôi có thể nuôi với một sức sản xuất rất là cao. Nếu so với lại Philippines thì việc nuôi của chúng tôi nó cao lắm, tỷ lệ có thể lên đến 20 kg trên một mét vuông.
Gia Minh : Ứng dụng trồng thì trồng ở những nơi đâu, và kết quả thu hoạch ra sao ạ?
Ở Trường Sa hiện nay thiếu rau xanh nên rất là cần cái này. Trước tiên là đảo Trường Sa, sau đó nói chung là tất cả các vung ven biển của mình có thể nuôi cái rong này để giải quyết nguồn rau sạch. Tại vì theo những cái phân tích của tụi tui thì rong nho này không hấp thu, không tích luỹ những kim loại nặng, những chất độc trong người đâu, mà nói chung là nó theo cái môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Đại
Ông Nguyễn Hữu Đại : Đầu tiên chúng tôi làm phần thí nghiệm, sau đó chúng tôi đưa ra nuôi trong một cài bể composite khoảng 25 mét vuông. Sau đó chúng tôi đưa ra ngoài tự nhiên. Đưa ra ngoài tự nhiên thì hiện nay có hai mô hình nuôi trồng là trồng đáy và trồng treo. Trồng ở dưới đáy và có thể treo được, thì hai mô hình này hiện nay nói chung phát triển rất là tốt.
Gia Minh : Và ngay tại Viện luôn hay là đưa ra ở chỗ khác ạ?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Tôi đưa ra ngoài biển. Đưa ra ngoài biển thì nói chung là ở vùng Nha Trang thôi.
Gia Minh : Trồng treo thì ra sao ạ, bởi vì trồng dưới đáy thì dễ hình dung rồi, nhưng mà trồng treo thì trồng như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Trồng treo thì tụi tui bỏ vào trong những túi nước và cứ treo thôi, cũng như nuôi rong sụn vậy. Chúng tôi căng dây qua hai cây cột rồi treo lên cái dây đó, hay có thể dùng cái phao thả nó lên, điều chỉnh độ sâu của nó.
Gia Minh : Khả năng để đưa ra ứng dụng đại trà giúp cho người dân ở các vùng ven biển thì ra sao ạ?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Hiện nay có một công ty liên doanh của Okinawa ở Phan Thiết nhưng mà người ta giữ rất là kỹ cái quy trình công nghệ của người ta nuôi. Còn đề tài của tôi thì muốn sẽ chuyển giao cái này cho cộng đồng. Tôi đang tìm cách tiếp cận Bộ Quốc Phòng để đưa ra Trường Sa.
Ở Trường Sa hiện nay thiếu rau xanh nên rất là cần cái này. Trước tiên là đảo Trường Sa, sau đó nói chung là tất cả các vung ven biển của mình có thể nuôi cái rong này để giải quyết nguồn rau sạch. Tại vì theo những cái phân tích của tụi tui thì rong nho này không hấp thu, không tích luỹ những kim loại nặng, những chất độc trong người đâu, mà nói chung là nó theo cái môi trường.
Môi trường sạch thì rau này sạch, mà không có bón phân nữa. Cái rau này có thể thành một nguồn rau sạch cho người dân, cộng đồng. Đặc biệt là nó hấp thu dinh dưỡng rất là cao, cho nên có thể dùng trong những mô hình nuôi kết hợp nuôi bền vững, như nuôi tôm bền vững, có thể nuôi ghép hay nuôi xen canh hay là nuôi xử lý môi trường để giảm ô nhiễm về dinh dưỡng, thì tôi nghĩ cái rau này cũng rất là tốt, vừa sử dụng nó như là một sản phẩm thu hoạch, vừa sử dụng nó như là sản phẩm để làm sạch môi trường, phì dưỡng môi trường mà giàu dinh dưỡng đó.
Không có các chất độc hại như là mấy kim loại nặng, rồi nếu môi trường có nhiều vi khuẩn gây hại thì tôi nghĩ cũng có thể ảnh hưởng, cho nên môi trường sạch ở đây là sạch những chất độc hại chứ còn sạch về dinh dưỡng thì không cần. Cái ô nhiễm dinh dưỡng thì không có sợ đâu vì theo những thí nghiệm của chúng tôi thì trong một thời gian ngắn nó hấp thu rất nhanh những amonia, những nitric, nitrat.
Ông Nguyễn Hữu Đại
Gia Minh : Ông có nói khi trồng nó thì cái môi trường nó phải sạch, có nghĩa là nước phải hết sức sạch hay sao ạ?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Không có các chất độc hại như là mấy kim loại nặng, rồi nếu môi trường có nhiều vi khuẩn gây hại thì tôi nghĩ cũng có thể ảnh hưởng, cho nên môi trường sạch ở đây là sạch những chất độc hại chứ còn sạch về dinh dưỡng thì không cần. Cái ô nhiễm dinh dưỡng thì không có sợ đâu vì theo những thí nghiệm của chúng tôi thì trong một thời gian ngắn nó hấp thu rất nhanh những amonia, những nitric, nitrat.
Những chất đó thì nó chuyển hoá vào trong cơ thể nó thì nó không có vấn đề gì cho thức ăn thực phẩm cả. Ở đây thì rất sợ gần những khu công nghiệp, những vùng thuốc trừ sâu, hay những chỗ có nhiều vi khuẩn gây hại như Salmonella hay E-coli này nọ vậy đó. Chứ còn ở môi trường nuôi tôm bình thường không có chất kháng sinh thì nói chung rong này không có tích luỹ những chất gây hại cho quá trình thực phẩm của mình.
Một điều nữa là trong quá trình xử lý nó thành nguồn thực phẩm thì bắt buộc phải có công nghệ về sinh học để mà trwocs khi thành những thương phẩm phải qua một công nghệ, tức là chúng tôi có thể lưu giữ nó và vận chuyển trong vòng 15 ngày trong trạng thái khô mà nó vẫn sống để đưa vào siêu thị hay cho nhu cầu thị trường cần lưu chuyển một nguồn rau xanh mà nó vẫn giữ được trạng thái sống của nó trong thời gian chững cỡ dưới 2 tuần, chừng 10 ngày đến 15 ngày là hoàn toàn có khả năng chúng tôi giữ sống như vậy và khô, rất là tiện lợi cho việc mình đưa vào siêu thị hay vận chuyển thực phẩm này đi nhiều nơi.
Gia Minh : Khi đưa về Việt Nam như vậy thì ông thấy dân chúng Việt Nam chưa có thói quen sử dụng loại rong nho này, nhưng ở những nơi người ta đang phát triển mạnh thì ông thấy việc sử dụng nó ra sao và nó đem lại hiệu quả như thế nào ạ ?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Trước mắt, hiện nay tôi đang tuyên trưyền sử dụng loại rau này thì nói chung người nào ăn quen rồi thì người ta rất thích. Nói chung nó rất là ngon miệng và nó thích hợp với những đồ hải sản, đa dạng những đồ hải sản mà tôi nghĩ rằng nhu cầu hiện nay chắc chắn là người ta sẽ càng ngày càng làm quen và sử dụng nó.
Tại vì hiện nay nhu cầu rất là cao về sử dụng nguồn hải sản nhưng mà người ta ăn quen mãi một loại tôm cá thì người ta cũng thích loại rau này. Tôi đã truy cập vào một số thức ăn của Nhựt, những nguồn sử dụng của Nhựt thì người ta rất đa dạng. Có một chén cơm mà người ta bỏ rong nho lên ăn với cơm không à. Nói chung là có nhiều dạng để người ta sử dụng. Gia Minh : Nay Việt Nam chưa có thì hẳn nhiên là nếu mà có nhập về thì cũng đắt lắm.
Ông Nguyễn Hữu Đại : Rất đắt. Hiện nay công ty Hải Nam ở Phan Thiết thì chính phẩm người ta xuất qua Nhựt, còn thứ phẩm thì người ta bán ở Sài Gòn với giá cỡ 15 đô một ký tươi. Một chén nho nhỏ rong này chừng 50 gr ở nhà hàng trên đường Lê Thánh Tôn (Sài Gòn) có thể lên khoảng 35.000 đồng.
Đối với người Việt Nam thì đặc sản này người ta chưa có mơ đến vì quá đắt, nhưng mà như tôi đã phát biểu là tôi cố gắng nuôi cái rong này thành một thương phẩm cũng giống như nguồn rau xanh rất là rẻ, giống như là rau bình thường, và khi đó thì người dân sẽ sử dụng đại trà hơn.
Gia Minh : Ông nói là ở bên Philippines người ta cũng có phát triển, cũng như bên Okinawa, thì kinh nghiệm của người ta mình có rút tỉa ra được những điều gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Tôi cũng tham khảo rất nhiều tài liệu của người ta, tức là mình cũng kế thừa các kinh nghiệm của người ta thì nói chung là ở Philippines tôi thấy người ta bán ngoài chợ rất là phổ biến. Việt Nam mình thì chưa, còn bên Philippines thì hầu như giống như rau cải bình thường thôi.
Ở mình thì những nhà hàng sang trọng mới có cái này. Nhưng mà sắp đến tôi nghĩ người ta sẽ tìm cách, người dân sẽ nuôi và người ta sẽ ăn uống bình thường, lưu hành bình thường. Mà tôi nghĩ rằng cũng nên khuyến khích ăn thứ rong này vì hàm lượng dinh dưỡng như hàm lượng vitamin như vậy là quá cao, nhất là những muối vi lượng trong rong thì rau lục địa không có. Tôi nghĩ nó hoàn toàn gần như là một thực phẩm chức năng nếu mà chúng ta biết sử dụng nó thì tôi nghĩ nó có thể biến thành loại thực phẩm chức năng.
Gia Minh : Nhưng mà thưa ông, tại sao bên Phi người ta lại có thể làm đại trà như vậy rồi mà ở Việt Nam mình thì nghe ra có vẻ khó lắm vậy? Là phải có nguồn nước sạch, đủ thứ hết như ông nói khi nãy đó.
Ông Nguyễn Hữu Đại : Nguồn nước sạch ở đây tôi nghĩ là ở Việt Nam mình thì tiềm năng của nó rất là lớn vì nới đâu cũng chưa có công nghệ phát triển nên tôi nghĩ rằng có thể trồng bất cứ đâu cũng được. Tôi đã thử nghiệm ở ven biển mình thì bất cứ nơi nào cũng có thể trồng được nó, chỉ có cái là nó rất sợ sóng biển cho nên phải có những vùng phù hợp với chế độ sóng lặng.
Nguồn nước sạch ở đây tôi nghĩ là ở Việt Nam mình thì tiềm năng của nó rất là lớn vì nới đâu cũng chưa có công nghệ phát triển nên tôi nghĩ rằng có thể trồng bất cứ đâu cũng được. Tôi đã thử nghiệm ở ven biển mình thì bất cứ nơi nào cũng có thể trồng được nó, chỉ có cái là nó rất sợ sóng biển cho nên phải có những vùng phù hợp với chế độ sóng lặng.
Ông Nguyễn Hữu Đại
Hiện nay một số mẩu chúng tôi trồng trong khu vực nuôi tôm bỏ hoang thì sau khi phân tích sinh hoá thấy cũng chẳng có gì độc hại, cho nên tôi nghĩ là hoàn toàn có thể nuôi trồng khắp nơi, tiềm năng rất là lớn. Vấn đề ở đây là công nghệ này phải được chuyển cho dân. Đề tài chúng tôi đến cuối năm này mới hết, chúng tôi sẽ tiếp tục có những đề tài chuyển giao công nghệ, khi đó thì mới đại trà được.
Hiện nay một số các công ty người ta nuôi, như công ty Okinawa, thì người ta nuôi với tư cách độc quyền, người ta không bao giờ cho mình tiếp cận công nghệ của người ta đâu. Chính chúng tôi lúc đầu khi làm công nghệ xử lý nó thì chúng tôi cũng muốn kế thừa, nhưng mà người ta không cho bất cứ thông tin nào, nên mình tự mò mẩm lấy chứ người ta không cung cấp công nghệ cho mình.
Gia Minh : Viện có nhận được hỗ trợ gì từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Chúng tôi chỉ nhận đựoc một kinh phí rất là ít ỏi của Viện Khoa Học Công NGhệ Việt Nam cho đề tài vừa rồi, cho nên hiện nay tôi đang xin một dự án của Bộ Quốc Phòng sẽ chuyển giao cho Trường Sa. Trường Sa thì hoàn toàn thích nghi. Tôi hình dung được khi mà Trưòng Sa nuôi cái rong này thì bộ đội rất là thích, tại vì hàng ngày cái nguồn nuôi nó rất là rẻ chỉ bơm nước biển lên nuôi thôi, thì hàng ngày bộ đội có thể sử dụng hàng trăm ký lô, một khu vực như vậy có thể hàng ngày ngươeì ta muốn ăn cỡ nào thì người ta lấy ăn cỡ đó.
Và ngoài việc giải quyết rau xanh thì rõ ràng rong này nếu so với các loại khác thì nó ưu việt hơn nhiều. Mà đã ăn quen rồi thì cái ưu việt về sức khoẻ con người là ưu việt hơn những loại rong khác. Trước tiên chúng tôi chú ý tới Trường Sa, sau đó thì những vùng khác người ta có thể tìm cách chuyển giao cho những vùng khác ngưòi ta nuôi.
Gia Minh : Còn đối với rong sụn thì hiện nay đang đựoc phát triển như thế nào ở Việt Nam, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Đại : Rong sụn thì tiềm năng của mình không có nhiều như Philippines, vì rong sụn khi nhiệt độ lên 30 độ C thì hầu như là nó sẽ bị bệnh. Cho nên đây là một loại cũng rất là có giá trị, nhưng hiện nay tiềm năng của mình không bằng được một số nước ở Thái Bình Dương.
Indonesia hay Philippines thì tiềm năng người ta lớn hơn vì đó là những quốc gia vạn đảo và điều kiện thuỷ triều của người ta không cao lắm thì người ta nuôi rất là dễ, rất là thuận lợi, thuận lợi hơn mình nhiều về nuôi rong sụn.
Rong nho biển có tên khoa học là Caulerpa lentillifera. Ngoài ra loại thực vật biển này còn mang tên là "cá hồi xanh". Loại rong này phân bố tại những vùng biển ấm ở Thái Bình Dương, trong những vủng và vịnh kín sóng, nước trong. Còn rong sụn có tên khoa học là Kappaphycus alvarezii. Đây cũng là loại rong có thể làm thực phẩm và giàu khoáng chất vi lượng, rồi một số acid amin cần thiết, cùng các vitamin như A, C, B12.
Mục Sáng Kiến & Đời Sống tuần này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/01/24/CaulerraLentiliferaGrownInVn_GMinh/