Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Friday, March 30, 2007

Tìm hiểu bệnh Zona (bệnh giời leo)

Tìm hiểu bệnh Zona (bệnh giời leo) (phần 1)
2007.03.30

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Kết thúc loạt bài nói về bệnh thủy đậu, tuần trước, bác sĩ da liễu Đức Thọ có đề cập đến bệnh Zona, một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh trái rạ, do cùng một loại virus gây ra.

* Bấm vào đây để nghe tiết mục này
* Tải xuống để nghe

Bệnh Zona, còn có người gọi là “Giời leo”. Photo courtesy wikipedia.

Bệnh Zona, còn có người gọi là “Giời leo”, là một loại tổn thương ngoài da, rất thường gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Thế nhưng Zona và Giời leo là có phải cùng là một bệnh hay không? Bệnh có những đặc điểm, triệu chứng như thế nào giúp phân biệt với các bệnh ngoài da khác?

Những đối tượng nào được xem là có nguy cơ nhiễm bệnh Zona cao nhất? Mời quý vị cùng tìm hiểu trong chương trình hôm nay.

Trước tiên, bác sĩ chuyên khoa Đức Thọ từ TPHCM mô tả khái quát về căn bệnh Zona: “Thật ra, nếu đúng theo tên bệnh thì Giời leo và bệnh Zona khác nhau.”

Bệnh Giời leo là do một loại côn trùng bám vào trên da và gây ra phản ứng viêm da dị ứng do tiếp xúc với các kháng nguyên lạ. Còn Zona là một bệnh do virus gây ra. Tuy nhiên, cảm giác của bệnh viêm da tiếp xúc và của bệnh Zona tương đối giống nhau ở chỗ đau rát và nổi hồng ban. Do đó, dân gian vẫn thường xem những hiện tượng này là Giời leo nói chung.

Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng tuy vẫn thường xảy ra đối với bà con ở vùng thôn quê nhưng hậu quả không nặng nề lắm. Bệnh Zona do virus gây ra có những hậu quả đặc biệt bà con cần phải lưu ý.

Nguyên nhân

Bệnh Zona cho tới nay chỉ xuất hiện ở những người đã từng bị thủy đậu trước đó. Nếu trẻ em được chủng ngừa thủy đậu từ bé sẽ không bị thuỷ đậu sau này, và thế là cũng sẽ không bị Zona. Điều này rất quan trọng. Nếu ta thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho các bé thì sau này không phải lo ngại bé sẽ bị mắc bệnh Zona.

Bác sĩ Thọ

Trà Mi: Đầu tiên xin được tìm hiểu vì sao bệnh có tên là Zona?

Bác sĩ Thọ: Zona là tên khoa học, còn tên tiếng Anh là Shingles, là tình trạng nhiễm virus Herpes Zoster cấp tính của hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, thường chỉ xảy ra ở một bên rễ thần kinh tuỷ sống. Còn trường hợp Giời leo do côn trùng hay ký sinh trùng ngoài da thì có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cơ thể, có thể xảy ra ở hai bên không đối xứng.

Bệnh Zona cho tới nay chỉ xuất hiện ở những người đã từng bị thủy đậu trước đó. Nếu trẻ em được chủng ngừa thủy đậu từ bé sẽ không bị thuỷ đậu sau này, và thế là cũng sẽ không bị Zona. Điều này rất quan trọng. Nếu ta thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho các bé thì sau này không phải lo ngại bé sẽ bị mắc bệnh Zona.

Sở dĩ có mối tương quan này là do siêu vi gây bệnh thủy đậu cũng là thủ phạm gây bệnh Zona. Sau khi gây bệnh thủy đậu, bệnh nhân phục hồi, nhưng con siêu vi vẫn còn tồn tại ở dạng ngủ đông trong các tế bào rễ thần kinh tủy sống và bị hệ miễn dịch của cơ thể ức chế.

Sau này, khi có nhiều điều kiện thuận lợi như bệnh nhân có tình trạng bị nhiễm trùng, chấn thương, suy yếu hệ miễn dịch thì con virus tiềm ẩn đó sẽ bùng phát lên, thoát khỏi sự ức chế của hệ miễn dịch, phát triển thành dạng hoạt động, và gây tổn thương ngoài da, với cảm giác đau nhức nhiều. Đó là Zona.

Trà Mi: Nói như vậy có nghĩa là những người chưa được chủng ngừa trái rạ là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Zona cao nhất, còn những ai đã tiêm chủng thuỷ đậu rồi thì không phải lo sợ sẽ mắc phải căn bệnh Zona, phải không ạ?

Bác sĩ Thọ: Câu đó cũng tương đối đúng, nhưng trong y khoa, tỷ lệ không bao giờ đạt được 100%. Điều cơ bản nhất là nếu ta chủng ngừa thuỷ đậu thì sau này ta sẽ không bị trái rạ, và đương nhiên, sẽ không bị Zona.

Tuy nhiên, tác dụng của vaccine ngừa thủy đậu không được 100%, chỉ khoảng 90-95% mà thôi. Do đó, còn 5-10% vẫn có thể bị thủy đậu sau khi chủng ngừa, mà nếu đã bị thủy đậu thì sau này có thể bị Zona.

Hiện tượng phát bệnh

Dạ đó là điểm mà chúng tôi muốn trình bày với bà con. Zona là một bệnh ngoài da do virus, nhưng đặc biệt, bệnh này không lây, mà chỉ có tính chất là tự lan trên cơ thể ở một bên theo rễ thần kinh.

Bác sĩ Thọ

Trà Mi: Zona là một căn bệnh ngoài da, thế nó có lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc thông thường hay không?

Bác sĩ Thọ: Dạ đó là điểm mà chúng tôi muốn trình bày với bà con. Zona là một bệnh ngoài da do virus, nhưng đặc biệt, bệnh này không lây, mà chỉ có tính chất là tự lan trên cơ thể ở một bên theo rễ thần kinh.

Nếu có trường hợp lây lan thì thường xảy ra ở các đối tượng còn trẻ có sức miễn dịch suy yếu, và khi lây thì nạn nhân bị lây sẽ phát ra bệnh thuỷ đậu chứ không phải là bệnh Zona. Thực tế, trong quá trình điều trị, chúng tôi đã từng gặp những gia đình có bố mẹ bị Zona, con cái của họ, sau thời gian tiếp xúc với bố mẹ trong vòng 1 tuần lễ, thì sẽ phát bệnh thủy đậu nếu bé không được chủng ngừa.

Trà Mi: Và căn bệnh Zona có bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như môi trường, khí hậu, hay địa lý không ạ?

Bác sĩ Thọ: Các yếu tố môi trường bên ngoài hoàn toàn không tác động gì đến Zona, vì Zona là bệnh do siêu vi thuỷ đậu tiềm ẩn trong người bệnh nhân gây ra.

Khi bệnh nhân gặp những tình trạng như sức đề kháng suy yếu, nhiễm trùng, hay có những bệnh nội tạng nặng như ung thư, suy giảm hệ miễn dịch AIDS..v..v., thì con siêu vi ngủ đông ấy sẽ bộc phát trở lại, gây ra Zona. Do đó, bệnh không ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài mà bị ảnh hưởng do các yếu tố bên trong cơ thể.

Trà Mi: Như vậy là không có hiện tượng phát bệnh nhiều nhất tại một thời điểm nào trong năm, không có bùng phát dịch như những căn bệnh khác?

Bác sĩ Thọ: Vâng, Zona không có những thời điểm bùng phát đặc biệt như những căn bệnh do yếu tố bên ngoài tác động, mà Zona dễ phát ra ở những người già, yếu, có sức đề kháng suy giảm.

Đặc điểm phân biệt

Đặc điểm rõ ràng nhất của Zona để phân biệt với các bệnh khác là cảm giác đau đớn rất là dữ dội, thường ở một bên cơ thể. Tuỳ theo vị trí của san thương, nếu san thương ở vùng mắt thì có cảm giác như đau mắt rất là nặng, nếu san thương ở vùng tim thì có cảm giác như bị đau tim, ở những vùng bụng thì người bệnh có triệu chứng đau giả giải phẫu, tức là như bị giải phẫu.

Bác sĩ Thọ

Trà Mi: Bệnh Zona có những đặc điểm gì đặc biệt giúp có thể phân biệt với các loại bệnh ngoài da khác?

Bác sĩ Thọ: Đặc điểm rõ ràng nhất của Zona để phân biệt với các bệnh khác là cảm giác đau đớn rất là dữ dội, thường ở một bên cơ thể. Tuỳ theo vị trí của san thương, nếu san thương ở vùng mắt thì có cảm giác như đau mắt rất là nặng, nếu san thương ở vùng tim thì có cảm giác như bị đau tim, ở những vùng bụng thì người bệnh có triệu chứng đau giả giải phẫu, tức là như bị giải phẫu.

Thế nhưng san thương này là ở ngoài da. Và người bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán ngay từ đầu vì bệnh có những biểu hiện rất rõ ràng, bệnh nhân đau nhức rất nhiều.

Triệu chứng của Zona là các hồng ban, mụn nước mọc thành từng chùm, thường ở một bên cơ thể, gây cảm giác đau rát rất đặc biệt. Ban đầu khi san thương chưa xuất hiện, bệnh nhân có cảm giác như bị phỏng lửa, hoặc như dùng dầu xoa bóp nhiều nên bị nóng rát. Sau đó, hồng ban xuất hiện và trên đó có những chùm mụn nước, nhưng đặc biệt chỉ ở một bên, trái hoặc phải, theo sự phân bố của dây thần kinh trong cơ thể.

Tuy nhiên, cũng có một tỷ lệ rất ít khoảng 1/1000 bệnh nhân bị Zona ở hai bên cơ thể, và đó là những trường hợp có sức suy giảm miễn dịch rất nặng như bệnh nhân ung thư hay bệnh nhân AIDS. Người bác sĩ thấy bệnh nhân bị san thương Zona ở cả hai bên cơ thể thì việc đầu tiên là phải tìm những bệnh ác tính có trong người bệnh nhân.

Trà Mi: Diễn tiến phát triển bệnh ra sao? Zona có thể dẫn đến những biến chứng gì? Có phương pháp chữa trị dứt điểm đối với bệnh này hay không? Và làm thế nào để không bị mắc phải căn bệnh này?

Bác sĩ Thọ sẽ giải đáp những thắc mắc ấy trong chương trình “Sức khoẻ và đời sống” kỳ tới, mời quý vị đón theo dõi.

(Xin theo dõi toàn bộ nội dung phần âm thanh bên trên)

Chương trình “Sức khoẻ và đời sống” kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/03/30/HealthAndLifeShinglesP1_TMi/