Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Sunday, March 6, 2011

Trị tiêu chảy bằng cây gáo tròn




Trị tiêu chảy bằng cây gáo tròn
( 6:23 PM | 21/02/2010 )

Gáo tròn là loại cây mọc hoang ở trong rừng thuộc cây thân gỗ có tên khoa học Haldina cordifolia (Roxb) ridsd, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).

gao-tron-lam-thuoc_135

Loại cây này có ở Đông Dương và Ấn Độ…, như Việt Nam, Trung Quốc, Sri Lanka, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Mianma, Thái Lan… cây thân gỗ có kích thước lớn cao tới 35m, đường kính đến 100cm. Gỗ gáo xẻ có bề mặt mịn sạch và đẹp nên được dùng làm đồ mỹ nghệ, nội thất, trang trí… Thân tròn thẳng đứng, vỏ cây khi còn non có màu nâu tro, tròn nhẵn. Khi trưởng thành vỏ màu nâu có sọc thẳng đứng. Cành nhánh dài và phẳng, ngọn hơi rủ, tán hình dù. Lá hình mắt chim hay trái xoan, hình tim ở gốc, có đuôi nhọn dài ở chóp, chiều dài của lá khoảng từ 10 – 30cm, rộng 8 – 20cm, màu lục sẫm và mặt trên lá nhẵn, nhạt màu hơn và mặt dưới lá có lông mềm, lá dai. Hoa vàng, thành đầu hình cầu, đường kính khoảng 18 – 25mm, xếp 1 – 3 cái, có cuống dài 3 – 9cm. Quả nang dài 3 – 4mm, rộng 2mm ở đỉnh, hình nêm, có lông mềm. Hạt có từ 6 – 8, có cánh ở hai đầu, nhọn ở gốc và chia đôi ở đỉnh. Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ thân cây và rễ với tên dược liệu là Cortex et Radix Haldinae, Cordifoliae.

Thành phần hóa học chủ yếu ở vỏ thân cây thấy chứa tanin chiếm từ 7,27 – 9,27%, một số sắc tố màu vàng là adinin chiếm 0,09%…

Ở nước ta còn có một cây khác cũng gọi tên gáo, phây vi hoặc thkeou, tên khoa học là Anthocephalus indicus A Rich, họ Cà phê (Rubiaceae). Là loại cây gỗ lớn, mọc thẳng đứng, tán hình chóp, thấy ở vùng Tiên Yên Quảng Ninh vỏ của cây cũng sắc uống làm thuốc trị sốt, ho và làm thuốc bổ. Ở Ấn Độ, người ta cũng dùng nó làm thuốc và làm thuốc bổ. Lá sắc dùng để súc miệng, quả chát dùng trị tiêu chảy, vỏ còn được dùng làm thuốc nhuộm đen rất bền màu.

Đông y cho rằng vỏ gáo tròn có công hiệu hạ sốt, khử khuẩn và làm săn da. Vì vậy nhân dân vẫn sử dụng vỏ cây gáo tròn làm thuốc hạ sốt (có thể sử dụng cả gỗ cây gáo thái mỏng sắc làm thuốc hạ sốt). Tại Ấn Độ người ta đã sử dụng vỏ gáo tròn làm thuốc sát khuẩn các vết thương. Ở Campuchia sử dụng rễ gáo tròn trị tiêu chảy và kiết lỵ. Liều sử dụng trung bình cho dạng thuốc sắc là 10 – 16g/ngày.

Dưới đây xin giới thiệu vài phương tiêu biểu trị bệnh có vị thuốc gáo tròn.

Trị kiết lỵ, tiêu chảy: Rễ cây gáo tròn lấy một nắm to cho vào 1.000ml nước đun sôi kỹ, rồi lấy nước uống trong ngày. Mỗi lần uống chừng 100ml – 150ml.

Trị tiêu chảy: Vỏ cây chòi mòi, cây van núi, cây gáo tròn, mỗi thứ 1 nắm như nhau cho vào hãm lấy nước uống 3 – 4 lần trong ngày, mỗi lần chừng 100ml.

Trị vết thương: Lấy vỏ cây gáo tròn chừng 50 – 60g, cho nước vào nấu lấy nước đặc để rửa các vết thương bị nhiễm khuẩn ngày 2 lần.

Chữa xơ gan cổ trướng: Vỏ gáo 10g, cỏ sữa lá lớn 10g, cỏ xước toàn cây 10g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Uống liền 15 ngày.

BS. Hoàng Xuân Đại
(theo suckhoedoisong)

http://tin180.com/suckhoe/y-hoc-co-truyen/20100221/tri-tieu-chay-bang-cay-gao-tron.html