Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ

Tiến sỹ THÍCH THIỆN MỸ 560/TA- Ấp Tân An-Xã Tân Thành Huyện Lai Vung – Đồng Tháp DD: 0939.826271, 0975.865463 Email : thienmy.thich@gmail.com

Saturday, February 26, 2011

Người Trung Quốc mua gỗ sưa của Việt Nam để làm gì?

Người Trung Quốc mua gỗ sưa của Việt Nam để làm gì?
Posted on October 17, 2010 by admin

(VTC News) – Vị thiếu tướng của Trung Quốc đã nói với ông Lâm rằng, với người Trung Quốc, ngoài việc sử dụng gỗ sưa làm mộc như các loại gỗ quý khác, thì gỗ sưa còn có dược tính đặc biệt, trị được căn bệnh viêm xương quái đản. Từ lâu, người Trung Quốc đã chiết xuất từ lõi cây sưa đỏ ra một loại chất và điều trị bệnh viêm xương rất hiệu quả.

Chuyến đi Trung Quốc tìm lời giải cho câu hỏi: “Người Trung Quốc mua gỗ sưa làm gì?” của các nhà khoa học Việt Nam thất bại, rồi hàng loạt vụ trộm sưa diễn ra, rồi giá của một khối gỗ sưa lên đến cả chục tỷ đồng, khiến những lời đồn về gỗ sưa càng thêm phần huyền bí.

Trên các diễn đàn mạng của Việt Nam một thời, người ta đồn thổi không biết bao chuyện huyễn hoặc về gỗ sưa. Rằng, người Trung Quốc mua gỗ sưa bán cho giới mafia, để chúng nghiền thành bột, pha trộn với ma túy, để tăng lợi nhuận mà vẫn giữ được công dụng của ma túy. Rồi, các đại gia Trung Quốc thu mua gỗ sưa làm chất ướp xác, làm bùa ngải hại người. Thậm chí, hài ước đến nỗi, người ta còn đồn rằng, người Nhật mua gỗ sưa ép lấy dầu dùng cho việc… phóng tàu vũ trụ!

Tôi đã nhờ Thạc sĩ Đặng Vân (Deng Yun), người Tứ Xuyên, Trung Quốc, tra cứu trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, và thấy rằng những tin đồn như trên xuất hiện trên các trang web “lá cải”, hoặc các diễn đàn. Những tin đồn này được dịch ra tiếng Việt, rồi người ta thêm mắm thêm muối, khiến cho lời đồn về gỗ sưa càng thêm bí ẩn.

TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia mộ xác ướp bác bỏ ngay thông tin dùng gỗ sưa ướp xác. Đơn giản vì gỗ sưa không có tinh dầu. Với lại, chất ướp xác trong các ngôi mộ hợp chất đã được xác định rõ là gỗ ngọc am (Trung Quốc gọi là san mộc), chứ không phải là gỗ sưa.

Ở Việt Nam, ngoài đoàn nhà khoa học “bí ẩn” mà GS Phùng Tửu Bôi kể lại, thì có một người đã trực tiếp sang tận Trung Quốc để hỏi cho ra nhẽ về cây gỗ sưa, đó chính là ông Trần Ngọc Lâm, người sống trong rừng Hoàng Liên Sơn (Sapa, Lào Cai).

Ông Lâm từng bị bệnh ung thư, từng lái xe thuê nhiều năm cho người Trung Quốc, chở hàng từ Lào Cai xuyên qua Trung Quốc, lên Tây Tạng, sang tận vùng Tây Á. Trong thời gian này, ông đã học được nhiều bài thuốc của người Trung Quốc và người Tây Tạng, có nhiều mối quen biết với những người liên quan đến ngành dược. Hiện ông sống trong rừng Hoàng Liên Sơn và tự chữa bệnh ung thư phổi cho mình.

Theo ông Lâm, cơn sốt gỗ sưa đã tràn sang Lào Cai đầu tiên, vì Lào Cai giáp với Trung Quốc, có cửa khẩu thuận lợi đi lại, buôn bán.

Ông Lâm cho hay, người Trung Quốc cực kỳ cao thủ trong việc thu mua nguyên liệu từ nước ngoài. Không bao giờ họ tiết lộ công dụng của những thứ mà họ sẽ mua. Bởi vì, nếu công dụng của thứ họ mua lộ ra, người khác sẽ biết cách chế biến, sử dụng, như vậy, họ sẽ khó thu mua tiếp, hoặc phải thu mua với giá cao.

Ông Lâm lấy ví dụ, khi người Trung Quốc phát hiện ra cây cỏ nhung, một loại cây mà người Trung Quốc, đặc biệt là vùng Tây Tạng dùng nhiều để điều trị ung thư, tăng cường sức khỏe, có ở rừng Hoàng Liên Sơn, từ độ cao 2.000m trở lên, họ đã tìm sang thu mua.

Họ mang cây cỏ nhung đó sang gặp đồng bào người H’Mông, những người leo núi rất khỏe và đề nghị đồng bào tìm cho họ những cây giống như thế. Lúc đầu, họ mua với giá 50 ngàn đồng/kg. Thời gian sau, họ nâng lên 100 ngàn đồng/kg, rồi tới 500 ngàn đồng. Bây giờ, khi loại cây này đã cực kỳ quý hiếm, họ đã nâng lên tới 1 triệu đồng/kg, gồm cả rễ lẫn đất.

Ông Lâm là người sống ở Trung Quốc nhiều năm, lại học được bài thuốc, tự chữa bệnh ung thư phổi cho mình bằng cây cỏ nhung, nên ông hiểu rất rõ giá trị của loại cây này. Từ cả chục năm trước, ở Trung Quốc và Nhật Bản, cỏ nhung đã có giá tới 5 triệu đồng/kg lá tươi. Tuy nhiên, khi phần lớn người dân ở Lào Cai biết công dụng và giá trị của cây cỏ nhung, thì loài cây này gần như đã tuyệt diệt. Khắp dãy Hoàng Liên Sơn, chỉ còn vài khu vườn nho nhỏ có cỏ nhung, do ông Lâm trồng.

Kỳ khôi nhất là chuyện người Trung Quốc sang Lào Cai thu mua… “khoai lang núi”. Họ cũng cầm một loại củ, có thân ngoằn ngoèo như con rắn, mỗi đốt thân dài chừng nửa cm sang Lào Cai gặp đồng bào H’Mông. Họ bảo rằng, họ cần thu mua những củ “khoai lang núi” này để… ăn chống đói.

Thế là, đồng bào ầm ầm vào rừng Hoàng Liên Sơn, đào bới không biết bao nhiêu “khoai lang núi”, hết tấn nọ đến tấn kia, bán cho người ta. Lúc đầu, giá mỗi kg “khoai lang núi” chỉ vài chục ngàn, rồi tăng lên vài trăm ngàn đồng. Khi người Trung Quốc nâng giá “khoai lang núi” lên vài triệu một kg, thì có “bói” cũng chả tìm ra củ nào nữa.

Cũng lại ông Trần Ngọc Lâm, đã mò sang tận Trung Quốc tìm hiểu, mới vỡ lẽ ra rằng, cái củ mà đám con buôn người Trung Quốc nói với đồng bào H’Mông là “khoai lang núi” thực ra là thiết trúc nhân sâm. Đây là một loại sâm mà thân có đốt như cây trúc, nhưng đốt rất ngắn. Mỗi năm, cây sâm này chỉ ra một đốt. Đồng bào ta đã hăng hái nhổ những củ sâm có tuổi hàng trăm năm trời, quý ngang sâm Ngọc Linh và sâm Triều Tiên, bán cho người Trung Quốc rẻ như bán khoai.

Và gần đây, đến lượt cây gỗ sưa. Đã có thời kỳ, đồng bào ầm ầm vào rừng Hoàng Liên Sơn truy tìm những cây gỗ sưa, đem bán cho người Trung Quốc với giá rẻ như các loại gỗ khác. Theo ông Lâm, những loài gỗ khác, mọc trong Hoàng Liên Sơn đã cực kỳ chậm lớn, nhưng cây sưa còn chậm lớn hơn. Một cây sưa thân to bằng cái phích có thể phải mất cả trăm năm sinh trưởng. Vì thế, những cây sưa to cỡ cái phích, đã cho lõi rất dày.

Tôi đã từng có nhiều chuyến đi rừng với ông Lâm và không ít lần ông chỉ tay vào những khu đất trống bảo rằng: “Trước kia, chỗ này có nhiều sưa lắm!”. Tôi và ông Lâm đi mãi, chỉ gặp những chồi sưa mới mọc lên từ gốc cây đã bị lâm tặc đốn hạ. Từ khi người dân trong nội địa nước ta chưa biết gỗ sưa là cây gì, có tác dụng gì, thì đồng bào, lâm tặc ở vùng Lào Cai đã chặt phá tan tành, đem hết gỗ sưa sang Trung Quốc bán rồi.

Để tìm hiểu vì sao người Trung Quốc lùng mua ráo riết loại cây mà người Việt không coi trọng, ông Trần Ngọc Lâm đã sang tận Trung Quốc để dò hỏi. Ông Lâm đã gặp trực tiếp Tiến sĩ, Thiếu tướng quân y Vương Đức Tài, Chủ nhiệm Trung tâm thuốc Trung Y (Trung Quốc). Ông Tài là người đã từng gặp ông Lâm đề nghị mua công thức bài thuốc Mỹ nhân thang mà ông học được từ người Tây Tạng, song ông Lâm không bán.

Vị thiếu tướng của Trung Quốc này đã nói với ông Lâm rằng, với người Trung Quốc, ngoài việc sử dụng gỗ sưa làm mộc như các loại gỗ quý khác, thì gỗ sưa còn có dược tính, đặc biệt quan trọng là trị được căn bệnh viêm xương quái đản. Từ lâu, người Trung Quốc đã chiết xuất từ lõi cây sưa đỏ ra một hoạt chất và dùng hoạt chất này điều trị bệnh viêm xương rất hiệu quả.

Nghe vị tướng đứng đầu một trung tâm dược phẩm nói thế, thì ông Lâm chỉ biết tin vậy. Còn thực hư về công dụng gỗ sưa thế nào, ông vẫn không thể chắc chắn. Theo ông Lâm, cũng giống như “khoai lang núi” và cây cỏ nhung, chỉ khi nào lãnh thổ Việt Nam hết sạch gỗ sưa, may ra mới biết rõ người Trung Quốc thu mua gỗ sưa với giá cắt cổ để làm gì.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Độc giả có bình luận hoặc phát hiện mới mẻ gì về công dụng của gỗ sưa đỏ? Kính mời độc giả gửi phản hồi vào ô dưới đây bằng tiếng Việt có dấu để được đăng tải.

This entry was posted in Giải trí and tagged cây cọ, gỗ sưa, H'Mông, Hoàng Liên Sơn, khoai lang, Lào Cai, Mafia, Ngọc Lâm, Người Trung Quốc, người Việt, Nhật Bản, phương tiện truyền thông, sâm Ngọc Linh, Sa Pa, sữa, Tây Á, Tây Tạng, tàu vũ trụ, thu mua, Triều Tiên, Trung Quốc, Tứ Xuyên, ung thư, ung thư phổi, viêm xương, website, đồng bào. Bookmark the permalink.

http://www.bhxhhcm.org.vn/nguoi-trung-quoc-mua-go-sua-cua-viet-nam-de-lm-g/