Đôi điều về an toàn thực phẩm mà các bà nội trợ cần lưu ý.
Sản phẩm xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, nhưng được đem sang các lãnh thổ thuộc Mỹ rồi đóng gói, dán nhãn "made in USA"
Kính thưa quí vị, gần đây một độc giả tại Jacksonville, Florida muốn hỏi xem đâu là những loại thực phẩm an toàn: nước mắm, bánh chưng, kẹo bánh, và bất cứ sản phẩm nào khác. Với hàng ngàn loại sản phẩm nhập khẩu dán nhãn trên bao bì "đóng gói tại Hoa Kỳ", hoặc sản phẩm xuất xứ từ nhiều nước như Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, nhưng được đem sang các lãnh thổ thuộc Mỹ rồi đóng gói, dán nhãn "made in USA", khiến mọi người rất khó xác định. Chúng tôi đã nói chuyện với tiến sỹ Mai Thanh Truyết, chuyên gia về hóa học và môi trường để nhờ ông giải đáp một số thắc mắc chung của nhiều bà nội trợ giữ việc nấu nướng cho gia đình. Mời quí vị theo dõi Câu chuyện nước Mỹ tuần này với Lan Phương sau đây.
Người Việt định cư ở nước ngoài, dù cho có cẩn thận đến đâu cũng khó mà có thể tránh không dùng những loại thực phẩm như bún khô, bánh phở khô, bánh tráng, nước mắm. Hầu hết những thứ này đều sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan hoặc Thái Lan. Làm sao biết được là sản phẩm nào tương đối an toàn? Cứ xét đến chiếc bánh tráng để làm các món cuốn chẳng hạn, nó đã khác xa với trước năm 1975 hoặc một số năm sau 1975. Lúc đó bánh tráng rất dòn, dễ vỡ vụn và không trắng toát, dẻo dai như bây giờ. Tại sao lại có sự khác biệt này? Có gì thay đổi trong cách sản xuất loại bánh tráng đó?
Chuyên gia Mai Thanh Truyết giải thích: "Khi xưa bánh tráng rất dầy, màu ngà, dễ vỡ. Nhưng hiện nay bánh tráng trắng, trong và rất dai. Xin thưa đó là tác dụng của hàn the, tức borax, làm cho bánh dai, khó vỡ, và của chất hypochlorite sulfite có thuốc tẩy để làm bánh tráng trắng. Do đó bánh tráng có thể rất mỏng và vẫn không bị bể."
Còn các loại nước tương, nước chấm, thì có an toàn hay không? Theo giải thích của chuyên gia Mai Thanh Truyết, có rất nhiều chất bảo quản hóa học không được các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ cho phép ứng dụng vào trong ngành biến chế thực phẩm lại đều được cả Trung Quốc, Việt Nam và thậm chí cả Thái Lan sử dụng. Các chất bảo quản đó là các chất trừ sâu rầy, trừ cỏ dại, tùy theo loại. Do đó có thể nói ngày hôm nay từ nước mắm, nước tương, xì dầu, thậm chí dầu hào, chúng ta cần phải rất thận trọng trong việc ăn uống.
Theo chuyên gia Mai Thanh Truyết, những phương pháp làm nước tương, nước mắm không còn như xưa nữa vì Trung Quốc ngày nay có khả năng tạo ra một hóa chất có mùi giống như mùi nước mắm. Họ đã nhại mùi nước mắm "Ba Con Cua" được thị trường người Việt ở hải ngoại ưa chuộng từ lâu. Loại nước mắm giả hiệu này đang lan tràn ở Hoa Kỳ. Những loại nước tương có tên là Golden Mountain, King Imperial, Pearl River, Lee Kum Kee, những loại nước tương vẫn còn chứa các chất độc hại gây ung thư là 3-MCPD. Tốt hơn hết là chúng ta nên tránh xa các loại này, chỉ dùng các loại Maggi của Pháp hay những nước khác như Thụy Sỹ, mặc dù giá đắt hơn, nhưng an toàn hơn. (Quí vị nên nhớ trên thị trường cũng có loại Maggi made in China!)
TS Mai Thanh Truyết, chuyên gia về hóa học và môi trường
TS Mai Thanh Truyết, chuyên gia về hóa học và môi trường
Chuyên gia Mai Thanh Truyết còn nêu lên những mánh lới của thương nhân khiến cho người tiêu thụ dễ bị nhầm lẫn. Người tiêu thụ nên phân biệt rõ "đóng gói tại Hoa Kỳ" với "sản xuất tại Hoa Kỳ". Đóng gói tại Hoa Kỳ có nghĩa là thương nhân nhập khẩu chất liệu với số lượng từng thùng lớn, vào Hoa Kỳ, sau đó đem đóng chai, đóng gói rồi đem bán trên thị trường.
Nấu cơm là một việc mà các bà nội trợ người Việt, người Á đông vẫn làm hằng ngày; và theo hiểu biết thông thường, gạo đã xay hết cám, mất quá nhiều chất bổ dưỡng rồi, thì nên bỏ thẳng vào nồi nấu để vớt vát lại chút dinh dưỡng. Gạo đem vo càng trắng, càng mất hết cám; tuy nhiên, chuyên gia Mai Thanh Truyết có lời khuyên sau đây:
"Đối với ngày xưa thì chúng ta ăn gạo xay từ lúa và bảo quản gạo trong điều kiện thiên nhiên, nhưng mà ngày hôm nay vì tranh thương, vì giá cả thị trường, gạo sau khi xay hết tấm rồi và được chà bóng trong máy để hột gạo bóng hơn, thậm chí còn pha những màu, mùi, và bảo quản cho gạo khỏi chóng mốc nữa. Đó là lý do mà hôm nay chúng tôi đề nghị khi quí bà nội trợ khi vo gạo nên vo 3, 4 lần nước. "
Đối với các loại dầu ăn thì các bà nội trợ cũng nên cẩn thận. Trong dầu ăn có những loại chất béo tốt và xấu. Trên nhãn các chai dầu ăn thường ghi tổng số chất béo cho mỗi serving là 8 grams chẳng hạn, rồi chất béo tốt unsaturated fat là 5 grams, nhưng lại không ghi số trans fat. Ta thấy sai biệt 3 grams thì đó chính là loại trans fat, chất béo xấu dễ gây bệnh ung thư, có điều nó lại không được liệt kê rõ ràng.
Loại dầu ăn tốt nhất là dầu Olive. Tuy nhiên khi dầu ăn bị đun nóng, nó tạo ra acrylamide, một chất có nguy cơ gây ung thư. Vậy sau khi chiên 1, 2 lần thì nên bỏ đi, không nên dùng nữa.
Thế trong trường hợp người tiêu thụ tại Hoa Kỳ nghi ngờ sản phẩm bị nhiễm độc thì họ phải liên lạc với cơ quan nào? Chuyên gia Mai thanh Truyết khuyến cáo:
"Người tiêu thụ chúng ta có bổn phận phải thông báo cho các cơ quan khi chúng ta nghi ngờ một mặt hàng nào bị nhiễm độc hay là có chất bảo quản không được phép dùng cho thực phẩm. Chúng ta có thể thông báo cho cơ quan health department (sở y tế) tại địa phương. Chắc chắn sẽ có những inspectors (kiểm tra viên) đi xuống tận nơi để điều tra ngay lập tức. Chúng ta nên sử dụng quyền công dân của chúng ta ở ngay tại đất Hoa Kỳ này."
Chuyên gia hóa học Mai Thanh Truyết cũng khuyến cáo giới tiêu thụ rằng nên tránh các thực phẩm đóng hộp hay đồ khô được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Các thực phẩm tươi, nhà nấu lấy là tốt nhất.
Nguồn: http://www1.voanews.com
http://www.vietvungvinh.org/index.php?option=com_content&view=article&id=700:luu-y-ve-an-toan-thuc-pham&catid=67:suc-khoe&Itemid=115